Cuộc sống tất bật khiến con người ta dễ dàng lãng quên đi nhiều thứ và cái Tết cổ truyền đúng nghĩa càng ngày càng trở nên xa lạ. Tết nay ngày càng đủ đầy nhưng hạnh phúc có còn đủ đầy như Tết xưa?
Còn nhớ như in cái Tết ngày xưa, cứ đến ngày ông Công ông Táo là cả nhà lại nhộn nhạo và tất bật. Bố hăm hở đến tận vườn đào, lựa về một gốc ưng ý nhất, mẹ đưa mấy anh em ra chợ Tết chọn quần áo mới, sắm sang vàng mã, làm cỗ cúng các cụ. Ngày ấy cả nhà quây quần, thổi xôi, làm gà, sao mà ấm cúng. Thiếu thốn đủ bề mà ai nấy đều vui!
Tết bây giờ càng lúc càng hiếm hoi những điều giản đơn mà ý nghĩa đó. Những đĩa xôi đủ màu sắc bắt mắt bán đầy các chợ, gà nguyên con làm sẵn, đóng gói ở siêu thị chỉ chờ người mua về. Những cành đào tí hin, những chậu quất lúc lỉu bán dọc vỉa hè, một hàng đều tăm tắp cho vừa diện tích của căn hộ chung cư trong những toà nhà cao tầng chật chội. Đủ đầy thật, hiện đại thật, nhanh gọn và chóng vánh thật, nhưng sao vẫn thấy nhớ nao lòng cái không khí sum vầy và đầm ấm ngày cũ.
TẾT XƯA
Tác giả: Lê Viết Tư
Bây giờ ngồi nhớ tết xưa
Bây giờ đang tết như chưa xuân về
Tết ngày xưa lắm bộn bề
Bánh chưng bánh tét thơ đề đối câu
Bà lo chuẩn bị cau trầu
Mẹ lo gánh nước xuân cầu ấm no
Cha lo mớ cỏ cho bò
Chị lo áo mới hẹn hò cho nhau
Giao thừa nhè nhẹ heo may
Cả nhà thức đợi sang ngày bình minh
Trời cao vốn sẵn công bình
Người trong gian khổ chút tình bay xa
Ngày nay xuân đến xuân qua
Cũng thường thôi giống như là ngày trôi
Hôm nay xuân đã về rồi
Mà sao thoáng chút bồi hồi cũng không
Này em , em có chạnh lòng
Còn anh ước được ta còn xuân xưa.
Những buổi chiều tất niên ngày trước, Nội vẫn thường chất một bếp củi lớn và đặt lên đó nồi nước mùi già. Lá mùi nấu nước phải chọn loại mùi trổ hoa, kết trái, thân đã chuyển sang màu xanh sẫm, khi đun lên mới toả mùi ngan ngát, cay cay. Hương mùi thường đọng lại rất lâu trên cơ thể, và vương vấn khắp gian nhà đến mấy ngày Tết sau đó. Lũ trẻ con năm ấy, đứa nào đứa nấy cũng đều háo hức đón tết bằng một thứ ‘nước hoa’ rất riêng, còn thi nhau hít hà và so bì xem quần áo của ai ướp hương thơm hơn nữa.
Nhưng những kí ức và cả tục tắm nước mùi ngày ấy không còn xuất hiện trong những ngày Tết hiện đại bây giờ. Người trẻ ngày nay không còn mấy mặn mà với những phong tục cổ truyền đó nữa.
Những cái Tết ngày xưa thích nhất có lẽ vẫn là những chiều 30, cả nhà quây quần gói bánh. Những chiếc bánh chưng xanh mướt, lạt buộc gọn gàng được bố xếp đầy nồi lớn. Mẹ không quên gói thêm những chiếc bánh bé bằng nắm tay, đánh dấu riêng từng người để đến đêm chất củi, tụi trẻ con, đứa nào đứa nấy cũng tranh nhau trông nồi, háo hức chờ bánh chín. Những củ khoai lang mật, những củ sắn bở tơi vùi tro năm ấy có lẽ là thứ quà đêm ngon nhất trên đời.
Tết ngày nay, chẳng gia đình nào còn mặn mà với những nồi bánh chưng ấy nữa. Ngay từ đầu tháng một, những shop hàng ‘Bánh chưng – Giò chả’ online đã kịp mọc ra như nấm. Thậm chí còn có sẵn dịch vụ nấu cỗ và bày mâm cúng phục vụ tận nhà. Những món ăn đậm phong vị truyền thống vẫn còn đến nay nhưng dường như hương vị đã chẳng còn vẹn nguyên như trước.
Đám trẻ con chẳng còn tranh nhau từng hạt ‘trứng chim’, miếng mứt dừa, hạt táo tầu trong hộp mứt Tết mà thay vào đó, nhà nhà biếu nhau những giỏ quà sang trọng, những chai rượu ngoại đắt tiền. Người trẻ không còn mặn mà với những thức đồ truyền thống mà đua nhau ‘truy quét’ đủ loại đặc sản dưới bể, trên trời. Thời đại mà ‘Mắc khén, hạt dổi’ lên ngôi, thịt trâu gác bếp, và lạp xưởng Sơn la được ưa chuộng hơn cả bánh chưng và giò lụa, nên dễ dàng bắt gặp trên mâm cỗ Tết truyền thống đủ các ‘sơn hào hải vị’ phong phú của cả núi rừng!
Qua rồi cái thời đến tận nhà nhau chúc Tết. Giới trẻ bây giờ nếu không tụ tập ‘chén chú chén anh’ với đám bạn hữu thân quen thì chỉ ở nhà, ôm chặt smartphone và gửi đi những tin nhắn chúc mừng có sẵn. Cả một danh sách bạn bè trong danh bạ nhận cùng một tin nhắn chúc tết, thân thiết hơn là dăm ba câu hỏi thăm bông đùa và những sticker ngộ nghĩnh của mạng xã hội…
Chưa kể những màn Livestream cận cảnh việc ‘bóc bánh chưng, nấu xôi, hay phá cỗ linh đình’ khiến cả facebook hệt như một cái sàn ẩm thực với đủ món ăn bắt mắt. Hài hước mà nói, ngày nay chúng ta hoàn toàn có thể nằm trong chăn, nhưng vẫn biết nhà kế bên hôm nay ăn Tết những gì khi chỉ cần ‘dạo’ một vòng trên mạng xã hội!
‘Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh’ đã chỉ còn là dĩ vãng. Và hình ảnh những bánh pháo nổ râm ran trước cửa nhà, lũ trẻ cười toe với những tép pháp ‘giun’, pháo ‘lợn’ chỉ còn được tìm thấy trong những bức ảnh Tết ngày xưa. Dù có nhiều đổi khác đến đâu, Tết Xuân vẫn là khoảng thời gian được mong đợi nhất trong năm. Là nơi mà nhà nhà xum vầy, người người đoàn tụ, và là dịp để người trẻ chúng mình thêm yêu thương và trân trọng gia đình!