VIỆT NAM 2022 VÀ 10 ĐIỂM NHẤN NỔI BẬT

Năm 2022, Việt Nam được quốc tế đánh giá đã đạt được những thành tựu cực kỳ ấn tượng trong phát triển kinh tế – xã hội, nổi bật trong các quốc gia phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau Đại dịch COVID-19.

Cùng điểm lại 10 điểm nhấn nổi bật được tổng hợp và phân tích nhé!

01. TRUNG ƯƠNG BAN HÀNH HÀNG LOẠT NGHỊ QUYẾT QUAN TRỌNG

Lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 của 6 vùng kinh tế nhằm phát huy lợi thế của mỗi vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên kết vùng. Đặc biệt, Nghị quyết số 18 được xem là sẽ tạo ra sự đột phá trong quản lý sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội cũng đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm, tạo đột phá về hạ tầng, kết nối không gian giữa các vùng trong cả nước.

02. CHIẾN DỊCH TIÊM VACCINE CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỆ

266 triệu mũi vaccine đã được tiêm; gần 100% người từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi cơ bản; tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên là 80%, mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã đạt hơn 93%.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, nhờ vậy dịch được kiểm soát, cuộc sống trở lại với nhịp độ bình thường để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

03. MỞ CỬA BẦU TRỜI, PHÁ BĂNG DU LỊCH

Ngày 15/3 – ngày mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế được coi là một “cú hích” phá băng du lịch sau gần hai năm lao đao. Năm 2022, Việt Nam là điểm đến của 3,5 triệu lượt khách quốc tế, chưa đạt kỳ vọng nhưng là tín hiệu khả quan để phục hồi. Du lịch nội địa bùng nổ khi đạt hơn 101,3 triệu lượt khách, vượt cả tổng lượng khách thời điểm trước COVID-19.

04. DẤU ẤN NGOẠI GIAO VIỆT NAM

Năm 2022, Việt Nam được bầu là Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (lần thứ hai). Trong bối cảnh thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, tăng cường; góp phần củng cố, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của nước ta và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước.

05. TRIỂN KHAI GÓI HỖ TRỢ THUẾ, PHÍ LỚN NHẤT TỪ TRƯỚC TỚI NAY

Trong năm 2022, toàn ngành Thuế tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế với tổng số tiền lên tới trên 186.000 tỷ đồng.

Việc thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được đánh giá là có tác động tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong nước.

06. XUẤT NHẬP KHẨU ĐẠT KÝ LỤC MỚI

Hơn 700 tỷ USD là con số kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, ước tính xuất siêu hơn 11 tỷ USD gấp hơn 3 lần năm 2021. Kết quả này càng ấn tượng hơn trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm.

Trước đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã lần lượt đạt các mốc 500 tỷ USD, 600 tỷ USD vào năm 2020 và 2021, cho thấy sự đi lên tăng trưởng ổn định và bền vững của Việt Nam.

07. TĂNG TRƯỞNG GDP VƯỢT KẾ HOẠCH TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI ẢM ĐẠM

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12 cho thấy ước tính GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02% so với năm 2021 (vượt mục tiêu đề ra 6 – 6,5%), đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022, đồng thời cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 750 tỷ USD, tăng 12,18%. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm động lực tăng trưởng, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao.


08. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOẢN, TRẢI PHIẾU, BẤT ĐỘNG SẢN, XĂNG DẦU NHIỀU BIẾN ĐỘNG

Năm 2022, VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử có phiên vượt 1.500 điểm, nhưng chỉ sau hơn nửa năm đã rơi xuống dưới 900 điểm. Biến động mạnh liên tiếp đã đưa VN-Index lọt “top” các chỉ số tăng/giảm mạnh nhất thế giới.

Về thị trường xăng dầu, vào khoảng tháng 10, tháng 11, người dân ở nhiều địa phương phải xếp hàng dài để chờ mua xăng hoặc chỉ được mua xăng theo định mức. Thậm chí có thời điểm có tới 200/17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

09. KINH TẾ SỐ TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG

Theo Báo cáo thường niên “Nền kinh tế số Đông Nam Á” lần thứ 7 do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện và công bố, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, đạt mức 23 tỷ USD trong năm 2022. Đóng góp cho tốc độ tăng trưởng nhanh này là sự phát triển ấn tượng của thương mại điện tử với mức tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.

Về doanh thu, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu của ngành kinh tế số năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2021.

10. SEA GAMES 31 VÀ THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA

Vượt qua nhiều khó khăn, Việt Nam đã tổ chức được kỳ Sea Games thành công nhất trong lịch sử. Với 446 huy chương, trong đó 205 huy chương vàng, Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn, nhưng trên tất cả, Sea Games 31 sáng lên tình đoàn kết ASEAN, tinh thần thể thao cao thượng.

Hình ảnh khán giả Việt Nam cổ vũ cuồng nhiệt ở tất cả các môn thi đấu dù có vận động viên chủ nhà hay không đã thực sự chạm vào trái tim bè bạn quốc tế.

Vượt ra ngoài khuôn khổ một đại hội thể thao, Sea Games 31 là cơ hội khẳng định thương hiệu quốc gia, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam thân thiện, mến khách.



Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin