Sáng 7/10/2021, Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp 2021 với chủ đề “Đảm bảo an toàn nguồn lực lao động – nền tảng của phát triển bền vững” đã diễn ra với sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.
Đây là chương trình được Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển Bền vững (VBCSD) và Mạng lưới Doanh nghiệp Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp nhìn nhận rõ hơn vai trò của việc đảm bảo an toàn nguồn lực lao động đối với tăng trưởng của doanh nghiệp, cũng như giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức và biến động khó lường; Hỗ trợ các doanh nghiệp kiến tạo và thúc đẩy các chính sách, giải pháp củng cố sức mạnh nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện, tính chất và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp…
Ms. Nguyễn Ngọc Mỹ – thành viên HĐQT Alphanam Group, thành viên HĐQT VBCWE tham dự chương trình trên vai trò Moderator của phiên thảo luận giữa lãnh đạo các doanh nghiệp bao gồm bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Thành viên HĐQT VBCWE, Phó Chủ tịch VBCSD; ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam – Myanmar – Campuchia – Lào, Thành viên HĐQT VBCWE, Phó Chủ tịch VBCSD; ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom; bà Nguyễn Thị Hải Yến – Trưởng ban Tổ chức & Nhân sự Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3).
Tại phiên thảo luận, các diễn giả đã chia sẻ góc nhìn của từng doanh nghiệp xung quanh vấn đề đảm bảo an toàn nguồn lực lao động – yếu tố được coi là quan trọng hàng đầu khi doanh nghiệp tái khởi động sản xuất kinh doanh sau thời gian dài giãn cách. Đại diện các doanh nghiệp đều có chung quan điểm rằng Covid-19 đã tạo ra sự “đứt gãy chuỗi lao động” do người lao động có xu hướng rất dễ rời bỏ các đơn vị không cung cấp được cho họ một môi trường làm việc, phát triển một cách an toàn. Vì thế, Covid-19 thực chất chính là cú hích để các doanh nghiệp xây dựng một cách thiết thực chính sách làm việc linh hoạt, các chế độ phúc lợi, phát triển văn hóa doanh nghiệp một cách đa dạng bao trùm nhằm tạo ra giá trị thiết thực cho người lao động. Vì chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới tránh được tình trạng thiếu hụt nguồn lực về con người khi tái khởi động lại các hoạt động kinh doanh.
Trong vai trò Moderator (người điều phối) của phiên thảo luận, Ms. Nguyễn Ngọc Mỹ đã có những đánh giá sâu sắc về khái niệm “an toàn nguồn lực lao động” và đồng thời cũng chia sẻ những minh họa thực tế từ các chính sách mà Alphanam Group đưa ra nhằm đảm bảo sự “an toàn” cho CBNV.
Tại Alphanam Group, nguồn lực về nhân sự vẫn luôn được coi là tài sản quý giá nhất. Hệ thống chính sách của Tập đoàn từ lâu nay đã được xây dựng bài bản nhằm kiến tạo một môi trường làm việc bình đẳng, linh hoạt và an toàn cho CBNV. Nhờ vậy, trải qua các “làn sóng” Covid-19, người Alphanam đang thể hiện sự bền lòng và gắn kết để thực sự là một nguồn lực mạnh mẽ, giúp Tập đoàn thực hiện các mục tiêu kinh doanh!