TỔNG GIÁM ĐỐC NGUYỄN MINH NHẬT: “2021 LÀ NĂM CỦA KẾT NỐI, CỦA QUYẾT TÂM VÀ KHÔNG LÙI BƯỚC”

Đón Xuân Tân Sửu nhớ Xuân Canh Tý trước đây – mùa Xuân với kỳ nghỉ dài nhất trong lịch sử vì không một ai mường tượng được rằng cuộc sống và thế giới có thể trở nên biến động một cách đầy dữ dội như thế. Đón mùa xuân mới Tân Sửu – mùa xuân đầu tiên sau năm Đại dịch COVID-19 theo lời Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Nhật là “một thử thách mà có lẽ đời người chỉ một lần trải qua”, Ban Biên tập có dịp được cùng trò chuyện với Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Nhật về những câu chuyện xoay quanh năm cũ – năm mới cũng như về chính anh và những chia sẻ của anh đến với Đại gia đình Alphanam.

Người thủ lĩnh là người tiên phong: Người đầu tiên và cuối cùng không lùi bước

COVID-19 xuất hiện một cách bất ngờ, nhanh chóng và dữ dội, tấn công cả thế giới, và không một ai biết được chúng ta phải làm gì để đối mặt một cách tốt nhất với cuộc chiến này. Cuộc sống bị xáo trộn, giãn cách xã hội buộc phải được thực hiện để giảm thiểu khả năng lây lan của virus. Hàng loạt doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ phải cắt giảm, hạn chế hoạt động, thậm chí đóng cửa.

Trong hoàn cảnh đó, Alphanam vẫn thích ứng, biến đổi và vươn lên. Đối với tôi, đó không phải là một sự táo bạo, mà là một kế hoạch chỉn chu được xây dựng bằng những giá trị tinh thần và hành động cụ thể.

Tổng giám đốc Nguyễn Minh Nhật

Từ nhiều năm về trước, trong suốt quá trình quan sát và lớn lên cùng Alphanam, “Không lùi bước” vốn đã là nền tảng, và cốt lõi của những bước phát triển rực rỡ của Tập đoàn: Chủ tịch luôn có một “con đường”, một “câu trả lời” biến “nguy” thành “cơ” cho tất cả những biến cố mà Alphanam đã trải qua, và sau mỗi biến cố, Alphanam lại bứt phá phát triển mạnh mẽ hơn trước. Chính điều đó hình thành trong tôi một niềm tin mạnh mẽ rằng: Dù bất kỳ biến cố nào mà Alphanam gặp phải, tôi luôn có một lời giải đáp để ứng phó, và với cương vị là thế hệ lãnh đạo kế cận (Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Nhật và Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Mỹ), chúng tôi có đủ tự tin, đủ quyết tâm và đủ trình độ để làm điều đó.

Khi COVID-19 bắt đầu lây lan, tâm lý chung ai cũng nghĩ đến việc thị trường sẽ phải thu nhỏ, nhân sự sẽ phải cắt giảm, dự án sẽ phải đình trệ. Tinh thần của tất cả mọi người đều từ hoang mang đến tiêu cực, đều sợ hãi, và nhân viên của Alphanam cũng thế. Tôi đã trao đổi rất nhiều với tất cả các Ban Quản lý Dự án, và họ e ngại, lo sợ rằng dự án sẽ phải tạm dừng, tiến độ chắc chắn bị ảnh hưởng.

Thực tế, chúng tôi đã có kế hoạch và bắt đầu xây dựng một lộ trình để có thể thay đổi và thích ứng nhanh với các biến cố tại Alphanam từ cách đây 2-3 năm, và đến thời điểm bắt đầu phải ứng phó với COVID-19, hệ thống cơ bản đã phần nào đáp ứng được sự xoay chuyển cần thiết. Alphanam hoàn toàn có đủ nội lực để vượt qua COVID-19, bằng chứng hiển nhiên nhất là sự phát triển của FUJIALPHA, của nhà máy ALPEC và của trung tâm The Best of Japan Home Center. Dẫu vậy, chúng ta đã khó có thể tạo nên những thành tựu đó nếu tinh thần “Không lùi bước” không được quán triệt từ đầu.

Tôi cảm thấy trong cái “nguy” của COVID-19 thì “cơ” chính là việc đây cũng là thử thách mà một đời người mới có một lần, và tôi cho rằng điều mà chúng ta đã cùng nhau làm được chính là gần như toàn thể cán bộ nhân viên đều giữ vững một tinh thần lạc quan từ những giây phút đầu tiên, đồng lòng tạo nên một tinh thần không lùi bước trước một thử thách vĩ đại của cuộc sống, và niềm tin mãnh liệt cùng khát khao vượt qua thử thách đó.

Người thủ lĩnh là người kiến tạo: Môi trường làm việc chuyên nghiệp

Trong những định hướng sắp tới của Tập đoàn, một trong những điều tiên quyết mà tôi mong muốn hiện thực hoá chính là việc xây dựng một môi trường làm việc tiến bộ, hiện đại và ứng dụng những thành tựu của kỷ nguyên số vào Alphanam. Theo lộ trình đã đề ra từ trước, nếu không có COVID-19 xảy ra, 2021 sẽ là năm Alphanam ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để. Tôi sẽ giải thích điều này thông qua lộ trình ứng dụng phần mềm Kế toán và phần mềm Văn phòng điện tử vào công việc của Alphanam.

Lộ trình mà Ban Lãnh đạo đề ra là hệ thống của chúng ta phải liên tục thay đổi để thích ứng với thị trường, mà phần mềm Kế toán và phần mềm Văn phòng điện tử là ví dụ cụ thể nhất. Trong năm 2021, phần mềm Văn phòng điện tử sẽ tạo ra một nền tảng hoạt động chung, thống nhất cho tất cả cán bộ nhân viên. Thông qua phần mềm này, cán bộ nhân viên có thể quản lý các tác vụ thường nhật của mình như đăng ký dịch vụ của tập đoàn và kiểm soát việc giao việc cũng như việc thực thi công việc. Phần mềm cũng là một kênh thông tin cho cán bộ nhân viên trong việc tham khảo thông tin của Tập đoàn, cũng như cập nhật các hoạt động của Tập đoàn. Việc ứng dụng phần mềm Văn phòng điện tử như một trợ lý ảo, trợ giúp cho sự tương tác công việc nhanh hơn, nâng cao hiệu suất công việc của cán bộ nhân viên ít nhất 15-20%, từ đó gia tăng hiệu quả lao động, nâng cao giá trị lao động tạo ra của từng nhân viên trong Tập đoàn.

Người thủ lĩnh là người gìn giữ: Văn hóa gia đình đúng nghĩa

Suốt chặng hành trình 25 năm qua của tập đoàn, điều mà tôi tự hào được kế thừa nhất chính là văn hoá gia đình của Alphanam. Có lẽ khó có nơi nào xây dựng được một văn hoá doanh nghiệp mà mọi người thực sự xem doanh nghiệp chính là gia đình thứ hai của mình, nhưng văn hóa gia đình đã được hình thành, lưu giữ và phát triển xuyên suốt chiều dài lịch sử của Alphanam. Từ những ngày đầu tiên hơn 20 năm trước với sự kiện đấu thầu hòm công tơ điện cho đến nay, người Alphanam đã trải qua hơn 3 thế hệ cán bộ nhân viên và những giá trị cốt lõi của văn hoá gia đình ấy vẫn được giữ vững.

Khi COVID-19 xảy ra, rất nhiều cuộc họp về các phương án hoạt động đã được triệu tập, và trong những cuộc trao đổi giữa tôi và Ban Lãnh đạo cũng như trưởng các bộ phận chuyên môn, tất cả các lãnh đạo đều đồng thuận đề xuất cắt giảm 30% lương của cấp lãnh đạo để bảo toàn lực lượng nhân sự – ở đó, tôi thấy được không chỉ là tinh thần đồng lòng, bỏ qua lợi ích cá nhân và hướng đến lợi ích chung của tập thể, mà còn là tình cảm và sự trân trọng nhau, quan tâm nhau như một gia đình của người Alphanam.

Văn hoá không bắt nguồn từ việc định hướng, mà bản chất của văn hoá là một chuỗi những thói quen, cách hành xử của từng cá nhân tạo thành. Trong văn hoá doanh nghiệp, văn hoá không thể định hình từ một cá nhân, mà phải từ cách xử lý hằng ngày trong công việc, từ cách chúng ta tương tác, giao tiếp với nhau. Trong hai năm vừa qua, nhân sự tại Alphanam tăng nhanh, và chúng ta ngày càng chào đón nhiều con người, nhiều nét văn hoá hơn. Những giá trị xã hội về giao tiếp, về ứng xử cũng dần có những nét khác biệt theo thời cuộc. Khi ấy, văn hoá gia đình ở Alphanam cũng phải bước vào một thời kỳ mới: Nhân sự mới tham gia sẽ trở thành một phần của văn hoá Alphanam và văn hóa gia đình Alphanam cũng định hình nên họ. Văn hoá ứng xử cần thời gian để hoà hợp và tinh chỉnh lẫn nhau, song có một điều chắc chắn rằng những giá trị nhân văn cốt lõi và sự gắn kết như một gia đình là điều mà chúng tôi và Alphanam luôn quyết tâm để giữ gìn.

Năm 2021 là năm mà chúng tôi đã có định hướng và sự chuẩn bị cho việc chúng ta càng cần phải kết nối và gắn kết nhiều hơn nữa. Về bản chất, xây dựng văn hoá cũng như xây dựng bất kỳ kế hoạch kinh doanh nào, đều cần có lộ trình. Chúng ta nhất thiết phải đẩy mạnh sự phối hợp liên phòng ban, liên bộ phận: Trưởng ban phối hợp với trưởng ban, phòng ban phối hợp với phòng ban, và mở ra nhiều hơn nữa sự trao đổi, học hỏi, thực hiện công việc cùng nhau, làm thế nào để xây dựng và tạo nên một sự đa dạng và bao trùm nhiều giá trị nhất, để chúng ta có thể dung nạp, hoà hợp và tạo môi trường phát triển cho nhiều người nhất; để văn hoá gia đình Alphanam bám rễ sâu nhất vào từng thành viên, kết nối được với giá trị cá nhân của từng người, để bất kỳ ai khi gia nhập cũng đều cảm nhận được rằng mình là một người Alphanam.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin