TÌM HIỂU TẾT TRUNG THU Ở CÁC NƯỚC CHÂU Á

Trung thu là ngày lễ lớn trong truyền thống của nhiều nước châu Á. Cũng như Việt Nam, các quốc gia này coi đây là dịp để mọi người quay trở về với gia đình, sum vầy bên mâm cỗ ngắm trăng, thưởng thức món bánh cổ truyền dân tộc và cầu chúc những điều hạnh phúc vẹn tròn.

TRUNG QUỐC

Trung thu, cùng các truyền thuyết về chị Hằng, Thỏ ngọc… được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc và là một trong 4 ngày lễ lớn nhất của quốc gia này. Mang ý nghĩa của sự sum vầy, đây là dịp để tất cả các thành viên trong gia đình, dù có đi xa tới đâu cũng trở về bên quê hương, cùng nhau ăn bữa cơm “đoàn viên”.

Cho tới ngày nay, người Trung Quốc vẫn còn giữ được nhiều phong tục cổ truyền trong ngày này, như treo đèn lồng trước nhà, ăn bánh, uống trà, thưởng trăng, rước đèn, ngắm hoa đăng, múa lân sư rồng…, tạo ra không khí đầm ấm, náo nhiệt, với mong muốn mang đến sự thịnh vượng, may mắn, hạnh phúc cho mọi người.

Cũng giống như ở Việt Nam, bánh nướng, bánh dẻo là 2 loại bánh truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ thưởng trăng của người Trung Quốc. Tùy từng vùng miền mà người ta có các loại bánh mang hương vị đặc trưng riêng.

Cộng đồng người Hoa sống tại một số quốc gia như Philippines, Malaysia… cũng tổ chức đón Trung thu, dần tạo dựng phong tục của cộng đồng mình ở các quốc gia đó và được nhiều người dân bản địa hưởng ứng.

NHẬT BẢN

Dù không còn sử dụng lịch âm nữa, nhưng người dân Nhật Bản vẫn giữ phong tục tổ chức Tết Trung thu vào rằm tháng Tám âm lịch hàng năm, gọi là Otsukimi (Lễ ngắm trăng). Theo quan niệm của người Nhật Bản, trên Mặt Trăng không có chị Hằng Nga, chú Cuội, mà chỉ có Thỏ ngọc. Vào ngày này, Thỏ ngọc thường giã bột làm bánh Tsukimi Dango. Đây là loại bánh đặc trưng để cúng Mặt Trăng ngày Trung thu, có hình tròn, màu trắng, làm từ bột gạo. Ngoài Dango, người Nhật còn cúng các loại rau củ (như khoai tây, khoai môn) hoặc trái cây (như nho) vì họ tin rằng, chúng sẽ biến điều ước thành sự thật.

Món bánh truyền thống vào dịp này là Tsukimi dango xinh xắn.

Vào đêm lễ Otsukimi, người Nhật thường quây quần bên người thân cùng nhau ăn bánh Tsukimi Dango được bày trên kệ gỗ, thưởng trà, ngắm trăng. Mâm cỗ Otsukimi truyền thống của họ không thể thiếu được bình cỏ lau để xua đuổi ma quỷ. Còn trẻ em được cha mẹ sắm đèn lồng cá chép, để tham gia hội rước đèn. Ở Nhật, đèn lồng cá chép tượng trưng cho lòng can đảm. Trung thu ở Nhật trùng với thời điểm thu hoạch mùa màng nên người Nhật còn tổ chức nhiều hoạt động ăn mừng để bày tỏ lòng biết ơn thiên nhiên.

HÀN QUỐC

Tết Trung thu tại Hàn Quốc là Chuseok, hay còn là Lễ tạ ơn, một trong những lễ hội cổ truyền lớn nhất trong năm. Người Hàn có câu “Nông dân tháng 5, thần tiên tháng 8”, ý chỉ tháng 8 là khi mùa màng bội thu, nhà nhà nghỉ ngơi, người người sum họp gia đình. Trong dịp Chuseok, người Hàn có 3 ngày nghỉ, và họ dành phần lớn thời gian để ở bên gia đình, bạn bè và thực hiện các phong tục nhằm tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn với tổ tiên.

Trong đó, quan trọng nhất là Charye (nghi thức dâng lên món mebap – cơm gạo mới vừa thu hoạch), lễ Beolcho và Seongmyo (các gia đình đi tảo mộ, dâng lên tổ tiên mâm lễ hoa quả, ngũ cốc vừa được thu hoạch).

Bánh Trung thu của người Hàn Quốc được gọi là Songpyeon, một loại bánh bằng bột gạo, đậu hoặc vừng và lá thông, có hình bán nguyệt. Ngoài ra, trong dịp này, họ thường quây quần ăn Toranguk (canh khoai sọ) và uống rượu Baekju (bạch tửu). Một số địa phương Hàn Quốc vẫn còn duy trì các trò chơi truyền thống như kéo co, đấu vật…

Hàn Quốc cũng có món bánh truyền thống là Songpyeon

TRIỀU TIÊN

Người Triều Tiên gọi Tết Trung thu là Thu tịch tiết (lễ hội đêm Thu). Đúng ngày 15/8 Âm lịch, khi trời bắt đầu tối cũng là lúc người Triều Tiên bên nhau cùng ngắm trăng, chơi kéo co, vật hoặc biểu diễn ca múa. Đây cũng là dịp để nữ giới Triều Tiên được diện trang phục đẹp thật đẹp để tham dự ngày lễ.

Theo truyền thống, người dân Triều Tiên thường tặng nhau bánh xốp, món bánh cổ truyền cho ngày Trung thu tại đây. Bánh xốp được làm từ bột gạo, bên trong là nhân đâu, mứt, táo…, có hình bán nguyệt. Do lúc hấp, bánh nở ra nên được người Triều Tiên gọi là bánh xốp.

THÁI LAN

Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là Lễ cầu trăng. Trong đêm 15/8 âm lịch, tất cả mọi người trong gia đình mặc trang phục truyền thống, cùng quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tất và Bát Tiên để cúng trăng.

Bàn thờ truyền thống của người Thái được bày quả đào và bánh Trung thu, vì họ tin rằng, Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người. Do đó, bánh Trung Thu ở Thái Lan có hình dạng giống quả đào.

Bánh trung thu ở Thái Lan có hình dạng giống quả đào

Trong ngày này, người Thái cũng thường ăn bưởi, loại quả tượng trưng cho sự viên mãn, xum vầy và ngọt ngào và gửi ước nguyện theo những chiếc đèn trời.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin