TẾT VIỆT TRONG TIM

Vali của những người trở về quê đón Tết ngập tràn sự chờ mong và háo hức, còn vali của người rời dải đất hình chữ S đến với một vùng đất khác chỉ đựng đầy nỗi nhớ nhà. Ở nơi xứ người lạ lẫm, một trong những nỗi nhớ thường trực nhất đó là “nhớ Tết”, với  “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. 

Bài viết “Tết Việt trong tim” được Ban Biên tập Alphanam Magazine chắp bút từ những chia sẻ của anh Mathew Trần Hồ – Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần A79 – một người đã rời Việt Nam sang Mỹ từ năm 30 tuổi để học tập và làm việc, và giờ đây sau hơn hai thập kỷ, anh trở về Việt Nam để trở thành người Alphanam, góp sức vào hành trình “khắc tên trên những kỳ quan” của A79. 

Tôi rời xa Việt Nam một thời gian khá dài, đủ để khá nhiều mảng ký ức không còn quá rõ nét. Tuy nhiên, những kỷ niệm về ngày Tết Nguyên đán thì vẫn còn vẹn nguyên. 

Những ngày Tết vui nhất đối với tôi là trước khi Chính Phủ cấm toàn dân đốt pháo. Tôi hiểu lệnh cấm này là điều tốt vì vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy. Nhưng nói thật là tôi vẫn “ghiền” mùi thuốc pháo và tiếng pháo, gia đình tôi lại sống ở một khu của người Hoa, vào giao thừa họ sẽ đốt pháo từ lúc 0 giờ cho đến sáng. Lúc ấy tôi và những đứa trẻ trong xóm còn bé lắm, khoảng chừng học cấp hai thôi, màu sắc và âm thanh rộn rã trong thời khắc pháo nổ giòn tan xen lẫn tiếng cười nói của mọi người là điều rất đặc biệt, khó có thể tìm lại được. 

Tết với tôi trong những tháng năm tuổi thơ được gói gọn trong hai từ “ấm áp”. Những năm tháng thời thơ ấu của tôi, kinh tế đất nước còn nghèo, gia đình nào cũng khó khăn. Tết là dịp những đứa trẻ ai cũng chờ mong và coi đó là một lễ hội thiêng liêng, vì chúng tôi sẽ được mặc đồ mới, được may sắm áo mới. Gia đình nào trong xóm cũng dọn dẹp nhà cửa rất sạch sẽ để đón Tết, riêng nhà tôi ở quê có một con đường đất vắt ngang qua nhà, mỗi lần quét nhà là tôi thường tiện dọn dẹp con đường đó luôn để mọi thứ được chỉn chu, đón mừng Tết đến. 

Lúc bà ngoại còn sống, bà thường làm mứt cho cả gia đình. Mứt dừa và mứt gừng là hai loại mứt bà làm mà tôi yêu thích nhất. Vị ngọt, hơi cay cay của mứt theo tôi suốt thời thơ ấu và là hương vị tôi nhớ nhất mỗi khi nhắc về Tết. À, tôi còn rất hoài niệm về những lần lớp chúng tôi cùng nhau đi chúc Tết các thầy cô, đó gần như là một thói quen được duy trì hàng năm. Sĩ số lớp chúng tôi khá ít, nhưng mỗi lần đến nhà thầy cô dịp Tết thì đều rất vui vẻ và đông đủ. 

Sau khi về Việt Nam, tôi nhận thấy cuộc sống đã hiện đại hơn, bởi vậy có nhiều thay đổi đã diễn ra và nhiều điều không còn được như xưa. Thực ra, ngay bản thân tôi thời gian ở Mỹ cũng đã vô tình quên mất lịch âm, quên mất ngày Tết Nguyên đán đang đến. Tôi sang Mỹ học lại từ đầu, vòng xoay liên tục và sự bận rộn của việc đi học và đi làm khiến tôi chỉ nhớ ra “sắp Tết” với những lời nhắc của ba mẹ tôi. Cộng đồng người Việt tại Mỹ thường đi chùa vào dịp Tết âm, nhưng thường chỉ có thể đi vào thứ 7 chủ nhật, vì đó là những ngày duy nhất chúng tôi được nghỉ học, nghỉ làm. 

Tết tại Mỹ, ba mẹ tôi vẫn cúng ông bà, vẫn làm những việc mà người Việt thường làm mỗi dịp xuân đến. Gia đình tôi vẫn gọi điện về chúc Tết người thân ở Việt Nam, để được “nghe” Tết và “nhìn” Tết từ xa. Việc này chưa bao giờ chúng tôi quên làm, dù gia đình tôi đã sang Mỹ một thời gian dài rồi. 

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin