TẾT NGUYÊN ĐÁN: TINH HOA VĂN HÓA VIỆT

Khác với các quốc gia phương Tây, người dân Việt Nam và một số quốc gia vùng châu Á đón Tết hay ngày đầu năm mới theo lịch Âm lịch và gọi tết cổ truyền bằng những tên gọi thân thương: Tết Ta, Tết Nguyên Đán. Theo thời gian, những nét văn hóa của dân tộc Việt Nam không những không bị mai một, mà vẫn luôn được gìn giữ và trở thành giá trị tuyệt vời của những con người mang dòng máu Lạc Hồng.

Bánh Chưng – Chiếc bánh mang hồn Việt

Từ lâu, Bánh Chưng được xem là thức quà tiêu biểu cho ẩm thực văn minh lúa nước Việt Nam. Câu chuyện truyền thuyết Bánh Chưng Bánh Dày tượng trưng cho “trời tròn đất vuông”những thứ bánh nuôi sống được con người, gửi gắm những giá trị nhân sinh của cuộc sống đã có từ thời vua Hùng. Bánh Chưng với lá dong, gạo nếp, thịt heo, đỗ, hành… là đặc trưng của người Việt Nam chúng ta, và còn là biểu hiện của truyền thống văn hóa dân tộc. Những người lính xa quê thổn thức nhớ nhà: “Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng / Trông bánh chưng ngồi chờ sáng / Đỏ hây hây những đôi má đào”, thi sĩ Nguyễn Bính gói những tinh túy của Tết cổ truyền dân tộc trong hai câu thơ “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, Bánh Chưng xanh”. Người Việt nhớ và yêu Bánh Chưng không chỉ vì quen vị hành củ, hạt tiêu, gạo nếp, mà còn vì Bánh Chưng không chỉ đơn thuần là một món ăn, đó là cả một mảnh hồn Việt.

Thiết nghĩ, không phải ngẫu nhiên rất nhiều người Việt có quan niệm: “Thấy Bánh Chưng là thấy Tết”, coi Bánh Chưng tượng trưng cho tinh hoa của đất trời, là một thức quà đẹp đẽ, dấu yêu của dân tộc. Bánh Chưng trong gian bếp nhà, trên bàn thờ tổ tiên ngày mồng Một Tết Ta là một nét văn hoá độc đáo chỉ người Việt mới có. Mang Bánh Chưng đến biếu nhau ngày Tết, cúng Bánh Chưng trên bàn thờ tổ tiên là biểu hiện của nếp nghĩ tôn kính người đi trước, trân trọng người hiện bên của người Việt ta.

Hoa đào, hoa mai ngày Tết

Trời đất ươm cho những nụ hoa đào, hoa mai căng mọng và tràn đầy trên cành – đó là lúc tiết xuân về, cũng là lúc người Việt bắt đầu sắm sửa, chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán một cách náo nức. Ngày Tết không thể thiếu sắc thắm của hoa mai, hoa đào, bởi với người Việt, hai loài hoa này vừa để ngắm, vừa mang giá trị tâm linh.

Lễ cúng tiễn Ông Công, Ông Táo vào 23 Tháng Chạp

Lễ cúng tiễn Ông Công – Ông Táo trước Tết là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của dân tộc Việt Nam. Người Việt vẫn tin rằng, còn có một thế giới của thần linh đang tồn tại quanh họ, bởi vậy Tết Nguyên Đán không chỉ là quãng thời gian để nghỉ ngơi, sum họp, đoàn viên, mà còn là dịp để bày tỏ lòng thành kính đến những vị Gia Thần như Thần Đất, Thần Bếp đã trông coi nhà cửa, bếp ăn cho gia chủ.

Hàng năm, mỗi khi đến ngày 23 tháng Chạp, người Việt sẽ làm lễ cúng tiễn Ông Công Ông Táo lên tâu trình với Thượng đế về cuộc sống và sinh hoạt của gia đình mình. Ở mỗi miền, tục tiễn sẽ có những lễ nghi khác nhau. Người miền Bắc thường cúng tiễn áo, mũ mới và thả những con cá chép ra sông để đưa ông Công ông Táo lên chầu trời, đồng thời giúp cá sinh sôi nảy nở khi mùa xuân đến. Còn ở phía Nam và miền Trung, Ông Công Ông Táo được làm lễ tiễn đưa ngoài trời một cách trang trọng, với hy vọng khi trở lại các vị sẽ mang nhiều điều tốt đẹp cho gia đình trong năm mới.

“Tết nào bằng Tết đoàn viên”

Chưa bao giờ từ “về quê” được nhắc đến nhiều như quãng thời gian cận Tết. Khi những ngày Tết gần kề, lòng người luôn hướng về nơi đã nuôi lớn chúng ta từ những cảm xúc trong trẻo nhất, đó cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” bao đời của người dân Việt Nam. Mâm cơm ngày 30 Tết không phải vui vì mâm cao cỗ đầy, mà vì mâm cơm ấy thấm đẫm hương vị đoàn viên, khi đó những lo toan của cuộc sống hằng ngày nhường chỗ cho niềm vui sum họp ngày xuân.

Nếu cái Tết của phương Tây gắn liền với các hoạt động vui chơi giải trí, thì Tết với người Việt là sự sum vầy, là “sợi dây” gắn kết những thành viên trong gia đình, cũng là ngày hướng về cội nguồn, ký thác hy vọng cho tương lai phía trước. Mỗi một người có thể đi nhiều nơi, nhưng luôn có một nơi để về đó là nhà, đó là quê hương. “Bôn ba cuộc sống mọi miền, mong chờ ngày Tết đoàn viên về nhà”, mong rằng mỗi người trong chúng ta đều sẽ có khoảnh khắc sum họp mỗi khi Tết đến xuân về, bởi ai rồi cũng cần một chốn an yên trong đời!

Tết của người Việt vừa giản dị, vừa trang trọng. Đã trải qua bao nhiêu mùa xuân tiếng trống đồng Đông Sơn gọi người vào lễ hội, người Việt vẫn giữ lại được bản sắc văn hóa thiêng liêng và đáng quý của dân tộc. Ngày Xuân, chúng ta cùng nói chuyện Tết Việt, để hiểu hơn và thêm tự hào về các di sản văn hóa mà tiền nhân để lại.

Bản sắc văn hóa mỗi dịp Tết Nguyên Đán là những điều thiêng liêng, quý giá tạo nên đặc thù của dân tộc Việt Nam, được đúc kết từ kinh nghiệm sống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó máu thịt với người Việt, được bảo lưu, giữ gìn một cách tự nhiên. Từ những việc chuẩn bị các món ăn cho mâm cỗ cúng cuối năm, cho đến các vật trang trí, các câu đối, các bức hoành phi trên bàn thờ gia tiên, những bức tranh dân gian, và cả những thói quen được hình thành một cách tự nhiên như đi hái lộc, xông đất đầu năm, ghé thăm các đền chùa… Tất cả đã trở thành nét đẹp trong phong tục của những người Việt Nam coi trọng truyền thống, sống duy tâm và ân tình.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin