TEAM WORK – “CÁCH LÀM VIỆC VỚI ĐỒNG ĐỘI THIẾU HỢP TÁC”

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã từng làm việc với một vài đồng nghiệp thiếu hợp tác. Có lẽ họ quá tập trung vào việc hoàn thành công việc của riêng họ, hoặc họ không đóng góp vào việc xây dựng bài thuyết trình chung khi cả nhóm phải “chạy deadline”. Điều này không chỉ làm các thành viên còn lại trong nhóm khó chịu, mà còn có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của cả nhóm.

Tham khảo ý kiến của các chuyên gia

Việc một thành viên trong nhóm trì hoãn hoặc thể hiện thái độ xấu có nguy cơ kéo theo việc giảm tinh thần và năng suất của mọi người. Susan David, người sáng lập Viện Huấn luyện Harvard / McLean và là tác giả của quyển Emotional Agility cho biết: “Tất cả chúng ta đều nhận được những tín hiệudù là nhỏ nhất từ người khác và điều đó ảnh hưởng đến hành vi và hành động của chúng ta. Điều đó dẫn đến hiệu quả nhóm kém, mức độ cam kết thấp hơn và ít tập trung vào mục tiêu chung.” Allan Cohen, giáo sư quản lý tại Babson College và là tác giả của quyển Influence Without Authority cho biết: “Có rất nhiều hậu quả tiêu cực khi có một thành viên trong nhóm không cùng chịu trách nhiệm công việc nhóm. Càng lâu ngày, mọi thứ sẽ càng trở nên tồi tệ hơn và ảnh hưởng đến các thành viên khác của nhóm.”

Dưới đây là cách làm việc với một đồng nghiệp thiếu hợp tác:

Đừng vội kết luận

Người ta rất dễ áp đặt suy nghĩ của mình về việc vì sao một người lại hành động như vậy, thậm chí là khi ta không có bằng chứng cụ thể, rõ ràng – theo ông Allan Cohen. Nhưng thay vì cho rằng ai đó chỉ là một kẻ lười biếng hoặc thiếu cam kết, “hãy khám phá một chút trước”. Gốc rễ hành vi của người đó có thể làm bạn ngạc nhiên. Có thể là họ đang đối phó với một tình huống căng thẳng ở nhà dẫn đến mất tập trung tại văn phòng. Hoặc họ có thể cảm thấy áp lực công việc mà bạn không biết. Hoặc họ không chắc làm thế nào để đóng góp tốt nhất.

Trò chuyện để gợi mở

Hãy tiếp cận đồng nghiệp của bạn với những câu hỏi thân thiện, thay vì những lời buộc tội. Ngay cả khi bạn không ở vị trí lãnh đạo trong nhóm, hãy xem đây là một cơ hội tốt để thực hành các kỹ năng lãnh đạo của bạn. Bạn có thể hỏi: “Bạn đang gặp phải chuyện gì?” hoặc “Động lực của bạn là gì?”

Mời họ tham gia các hoạt động

Việc tách biệt một người nào đó trong nhóm chỉ vì họ không tham gia vào các hoạt động nhóm chỉ làm mọi việc tệ hơn. Thay vì vậy, có thể cân nhắc mời họ cùng cả nhóm đi uống cà phê hoặc ăn trưa để kết nối. Nhiều tương tác hơn sẽ thúc đẩy mối quan hệ nhóm thân thiện hơn.

Xem lại nhiệm vụ của nhóm

Hãy trò chuyện với toàn bộ nhóm về tầm nhìn chung của nhóm, và xác định phương pháp tốt nhất để đạt được kết quả. Sự rõ ràng đó sẽ giúp tăng ý thức về mục đích và năng suất của mọi người. Rất nhiều người tham gia các cuộc họp nhóm chỉ tập trung vào những gì đã được thực hiện và những gì chưa được thực hiện, dễ dẫn đến sa đà vào việc xác định ai đã làm gì – ai không làm gì, mà quên đi sự tập trung vào mục tiêu của nhóm.

Làm rõ vai trò của các thành viên trong nhóm

Một khi cả nhóm đã xác định được nhiệm vụ, cần làm rõ vai trò của từng thành viên. Đừng cho rằng mọi người đều biết chính xác họ phải làm gì để đóng góp. Rất có thể người đồng nghiệp thiếu hợp tác thực chất không biết hoặc không hiểu họ phải làm gì. Xem xét và làm rõ xem có sự mơ hồ hay nhầm lẫn nào không, sau đó giúp làm rõ nhiệm vụ và thời hạn để họ hiểu rõ hơn về những gì người khác mong đợi ở họ.

Xác định các cơ hội mới để tạo động lực

Có thể việc thiếu hợp tác đến từ việc cảm thấy không rõ ràng về việc mình phải làm, nhưng cũng có thể đến từ việc họ cảm thấy công việc vô nghĩa và nhàm chán. Hãy suy nghĩ xem liệu có vai trò phù hợp hơn cho người này trong nhóm hay không. Giao nhiệm vụ lại rõ ràng hơn, cho họ không gian để thể hiện hoặc học hỏi các nội dung mới. Bất kỳ ai cũng đều mong muốn được phát triển, thể hiện năng lực và làm chủ công việc. “Nhân viên thường thể hiện cam kết cao hơn với công việc khi vai trò của họ tăng lên. Hãy đưa họ vào “trận đấu”, và họ sẽ cố gắng rất nhiều để thể hiện tốt hơn cho đội.”

TỔNG KẾT – CÁC NGUYÊN TẮC CẦN NHỚ

ĐIỀU NÊN LÀM

  • Hỏi về sở thích, ưu tiên và động lực của đồng nghiệp để hiểu rõ hơn về quan điểm của họ và nguyên nhân hành vi của họ.
  • Sử dụng cơ hội này để xem lại mục đích và mục tiêu của đội.
  • Tìm kiếm cơ hội để sử dụng tốt hơn kỹ năng cụ thể của thành viên, đặc biệt là thành viên chưa hợp tác.

KHÔNG NÊN LÀM

  • Đưa ra cách giải thích cho hành vi của đồng nghiệp mà không nói chuyện với họ trước
  • Tẩy chay thành viên không hợp tác
  • Cho rằng mọi người đều biết họ phải làm gì.





Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin