SELF LEADERSHIP (LÃNH ĐẠO BẢN THÂN) – MỘT GÓC NHÌN KINH TẾ HỌC

“Lãnh đạo” là một khái niệm trừu tượng, và việc khái quát hoá, cụ thể hoá lãnh đạo và vai trò của lãnh đạo trong một quần thể được giải thích với rất nhiều các quan điểm và học thuyết khác nhau. Trong quyển sách “Self Leadership – Lãnh đạo Bản thân”, công cuộc lãnh đạo được đề cập đến như là cách một người làm chủ cuộc sống của chính mình.

Đặt câu chuyện lãnh đạo bản thân dưới góc nhìn của Kinh tế học thoạt nghe qua có vẻ thiếu tính liên kết. Tuy nhiên, sự tương đồng về một số khái niệm và khía cạnh có thể giúp nhìn nhận câu chuyện lãnh đạo bản thân một cách khách quan hơn.

Có thể xem lãnh đạo bản thân như kinh tế vi mô, và lãnh đạo chiến lược như kinh tế vĩ mô để xét đoán tầm quan trọng và ảnh hưởng của hai sách lược lãnh đạo này lên một tổ chức bao hàm nhiều cấp bậc lãnh đạo.

Hàm ý của lãnh đạo bản thân mang nhiều tính chất của kinh tế vi mô. Theo từ điển Kinh tế học của Đại học Kinh tế Quốc dân, trong phân tích kinh tế vi mô, người ta nghiên cứu cách thức phân bổ nguồn lực kinh tế khan hiếm cho các mục đích sử dụng khác nhau và tìm cách phát hiện những yếu tố chiến lược, quyết định việc sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả.

Một cách tương quan so sánh, lãnh đạo bản thân chính là quan sát, điều phối và quản trị một “nền kinh tế nhỏ” như vậy – bao gồm hành vi, sự khan hiếm nguồn lực (thời gian, sức khoẻ, tâm trí) và xác định “giá” và “lượng” của các hành vi của chính bản thân mình. Mục tiêu cuối cùng của quá trình lãnh đạo bản thân, cũng như kinh tế vi mô, chính là việc điều tiết giữa nguồn lực và mục đích mong muốn để đạt được việc sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả nhất, đạt được lợi ích cao nhất.

Điều kỳ diệu của kinh tế vi mô, cũng như thuật lãnh đạo bản thân chính là: Thứ nhất, không có sự đầu tư nào là thừa thãi. Giả thiết rằng nguồn vốn đầu tư là hữu hạn, nhà đầu tư giải bài toán cân bằng sao cho lợi ích kinh tế hay hiệu quả đầu tư là lớn nhất. Thời gian, tâm trí và sức khoẻ của mỗi con người cũng hữu hạn như thế, và “đầu tư” vào từng hạng mục một trong cuộc sống để nhận lại kết quả như thế nào phản ánh sự hình thành nên bức tranh về mỗi con người. Thứ hai, nhìn nhận lãnh đạo bản thân như kinh tế vi mô, chúng ta thấy rằng không bao giờ có đường cùng, vì chúng ta luôn luôn có thể làm lại nếu một khoản đầu tư thất bại. Chúng ta vẫn luôn nghe câu chuyện truyền cảm hứng về ông Harland Sanders, người sáng tạo ra gà rán KFC, thành công với start-up của mình ở tuổi 71. Ông tìm đến các cửa hàng và bị từ chối 1.009 lần trước đó, nhưng rồi vẫn thành công.

Và thứ ba, kinh tế học vi mô cũng giống như lãnh đạo bản thân – đều là những kỹ năng mà chúng ta có thể “tự nâng cấp” cho mình, thông qua tài liệu, thực hành thực tế cũng như truyền và nhận truyền cảm hứng từ những người cùng thực hành lãnh đạo bản thân – đồng nghiệp, bạn bè, người thân xung quanh.

Ở mức độ cao nhất của lãnh đạo bản thân, người có khả năng lãnh đạo bản thân là người có thể lãnh đạo những chiến lược đưa ra cho chính bản thân mình để đạt được. Sự tương đồng này có thể tìm thấy được ở kinh tế vĩ mô.

Kinh tế học vĩ mô quan tâm đến một bài toán nhiều biến số, và các biến số có ảnh hưởng đến cả một quốc gia, cũng như quan tâm đến việc đưa ra chiến lược để điều tiết các biến số đó, mục đích là để quản trị sự phát triển và tối ưu hoá kết quả của các biến số. Đối với nghệ thuật lãnh đạo bản thân, “tầm ảnh hưởng rộng lớn” chính là cả cuộc đời một người, và chúng ta cần lãnh đạo bản thân để tìm cách giải “bài toán” quản trị, hiệu chỉnh và tối ưu hoá kết quả của những “biến số” như công việc – sự nghiệp, gia đình, bạn bè,…

Chúng ta thấy rằng những nhà quản trị tài ba hầu hết đều là những người có cuộc sống viên mãn – vì nghệ thuật lãnh đạo bản thân được họ áp dụng từ cuộc sống vào công việc và ngược lại. Chỉ có thể bằng nghệ thuật quản trị tuyệt vời tất cả những khía cạnh, một người mới có thể cân bằng và phát triển mọi mặt trong cuộc sống do chính mình làm chủ như thế.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh thực tế, “Lãnh đạo bản thân” là một công thức chung. Điều quan trọng là đối với mỗi người, chúng ta có cách giải khác nhau cho “bài toán lớn” của cuộc sống. Việc áp dụng những công thức của “Lãnh đạo Bản thân” sẽ đúng với từng người theo một cách khác nhau, và giúp chúng ta hoàn thiện hơn bài toán đầu tư theo một cách khác nhau.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin