REVIEW MỘT SỐ CUỐN SÁCH HAY CHO ĐỘC GIẢ

ĐIỀU KÌ DIỆU CỦA TIỆM TẠP HÓA NAMIYA – HIGASHINO KEIGO

Đây là 1 tác phẩm trinh thám nổi tiếng của nhà văn Higashino Keigo. Câu chuyện xoay quanh 3 nhân vật là Atsuya, Shota, Kouhei. Câu truyện bí ẩn với bao điều kì thú xảy ra trong tiệp tạp hóa Namiya…

Câu chuyện về tiệm tạp hóa Namiya mở ra khi 3 tên trộm tìm đến trú tạm trong 1 căn nhà hoang sau 1 phi vụ “khoắng đồ”, mà không biết rằng nó từng rất nổi tiếng. Hơn 30 năm trước, tiệm tạp hóa này là nơi trao đổi thư từ giữa ông chủ tiệm lớn tuổi và những người xa lạ muốn được “gỡ rối tơ lòng”. Ông chủ tiệm đã mất, nhưng vì sao mà ngần ấy năm, những bức thư vẫn được nhét khe cửa, và người gửi vẫn nhận được hồi âm.

Tất cả các nhân vật trong truyện đều là người bình thường, những trăn trở, lo sợ rất đời thường. Một cô gái đem lòng yêu chàng huấn luyện viên mắc bệnh hiểm nghèo. Một thanh niên bỏ nhà ra đi để theo đuổi đam mê âm nhạc. Một phụ nữ bị chẩn đoán vô sinh nhưng lại có thai với một người đàn ông đã có vợ. Một đứa trẻ hoang mang khi gia đình vỡ nợ phải đi trốn…

Là tác giả trinh thám được yêu thích nhất Nhật Bản hiện nay, nhà văn Higashino Keigo đã khéo léo lồng ghép quá khứ với hiện tại, chắp nối những câu chuyện tưởng chừng như chẳng có gì liên quan thành 1 thể thống nhất. Ở đó, tiệm tạp hóa Namiya là cỗ máy thời gian, là cây cầu dẫn kết nối tình người, để rồi, cả người gửi và người nhận đều tự tìm ra con đường đúng đắn cho chính mình.

Bởi lẽ, “bản thân người xin tư vấn đã có câu trả lời cho riêng mình rồi, chỉ là không đủ dũng cảm để đi theo sự lựa chọn đó mà thôi”. Họ không cần một chuyên gia tâm lý giỏi giang, xuất chúng, mà chỉ đơn giản là một trái tim chân thành, biết lắng nghe. Chỉ cần có ai đó thật sự muốn chia sẻ câu chuyện của bạn, thì kết cục có thể đã rất khác.

BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG – RANDY PAUSCH

Đây là cuốn sách được viết bởi Giáo sư Randy Pausch – một giảng viên đại học và cũng là một bệnh nhân ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. Randy Pausch viết cuốn sách này trong những tháng cuối cùng của cuộc đời ông –khi mà ông đang đối mặt trực tiếp với cái chết. Tác phẩm này đã được dịch ra 18 thứ tiếng và từng được xuất bản tại Việt Nam.

Bài giảng cuối cùng vốn là một dự án của trường Đại học Carnegie Mellon, dành để các giáo sư chia sẻ câu chuyện, tâm huyết của mình với hàng trăm sinh viên trước khi về hưu hoặc chấm dứt sự nghiệp giảng dạy. Năm 2007, ở tuổi 47, khi còn đang còn say mê với nhiều dự án, Giáo sư Randy Pausch đã thực hiện thuyết giảng lần cuối. Ông Randy Pausch là giáo sư Khoa học máy tính (Đại học Carnegie Mellon), một nhà nghiên cứu uy tín, đã nhận được nhiều giải thưởng và tham gia cộng tác với Google, Adobe, Walt Disney Imagineering…

Từng chối bỏ bệnh tật, từ chối điều trị, nhưng giáo sư Pausch cũng không thể xóa đi thực tế rằng cuộc sống của ông chỉ còn tính bằng ngày. Ông được chẩn đoán có 10 khối u trong gan và ung thư tụy giai đoạn cuối.

Từ cảm hứng của buổi thuyết trình, với sự chắp bút của nhà văn Jeffrey Zaslow, ông đã viết cuốn tự truyện Bài giảng cuối cùng. 53 bài giảng – 53 câu chuyện mà ông là nhân vật chính đã gói ghém những thông điệp giản dị, chứa chan cảm xúc mà đôi khi ta vô tình lướt qua.

Với ông Pausch, Bài giảng cuối cùng cũng là món quà, cũng là lời chào ông dành cho gia đình thân yêu, cho đồng nghiệp và học trò của mình. Cuốn sách khép lại sự nghiệp, khép lại cuộc đời vị giáo sư tài ba, nhưng lại mở ra một góc nhìn tích cực, thái độ lạc quan trước mọi vấn đề trong cuộc sống. “Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó”.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin