NGƯỜI PHỤ NỮ QUAN TRỌNG NHẤT CUỘC ĐỜI

Tôi dù có 30 tuổi, 50 tuổi hay thậm chí nhiều hơn, mẹ vẫn chỉ coi tôi là một đứa trẻ luôn cần được chỉ bảo nhiều điều.

Thật ra, tôi luôn nghĩ mình là người có lỗi với mẹ. 

Tôi luôn gắt gỏng khi lắng nghe yêu cầu của mẹ mỗi khi mẹ muốn tôi chỉ cho mẹ cách dùng một món đồ công nghệ. Tôi quên mất rằng, mẹ đã cầm tay tôi viết từng nét chữ đầu tiên, đã kiên nhẫn đứng bên cạnh nói với tôi rằng món canh này không được đun quá lâu nếu không thịt sẽ bị dai, đã cho tôi những tư vấn về chuyện tình cảm khi tôi bắt đầu biết yêu, đã dạy tôi những bài học đầu tiên về cách đối nhân xử thế.   

Tôi từ một người không phân biệt nổi thịt bò và thịt lợn, giờ đã xắn tay áo nấu được những mâm cỗ. Tôi vẫn có thể sống tốt khi bước từ vòng tay bố mẹ ra cuộc đời đầy rẫy phức tạp. Tôi trưởng thành và trở thành một người tử tế. Tôi lớn lên cả về thể chất, nhận thức lẫn trí tuệ trong sự bảo bọc xen lẫn nghiêm khắc của mẹ tôi. 

Tôi dù có 30 tuổi, 50 tuổi hay thậm chí nhiều hơn, mẹ vẫn chỉ coi tôi là một đứa trẻ luôn cần được chỉ bảo nhiều điều. Mẹ từng nói với mẹ của bạn trai tôi: “Con bé vẫn còn nhiều điều thiếu sót, khi thấy nó có cư xử không hay, đừng quát nó, cứ nói với tui vì lỗi là do tui không dạy nó đàng hoàng”. 

Mỗi ngày khi tôi gọi cho mẹ, câu đầu tiên mẹ hỏi tôi luôn là “Hôm nay đi làm có mệt không”, chưa bao giờ mẹ tò mò tôi có được sếp khen hay không, có được nhiều tiền thưởng không, có đạt thành tích cao hơn đồng nghiệp không. Tất cả những gì mẹ quan tâm là tôi có khỏe mạnh không, tôi có thấy thoải mái không, tôi có hạnh phúc không. 

Tôi học được ở mẹ cách yêu thương một người. Mẹ tôi là người phụ nữ không hoàn hảo, cũng có một số sai lầm trong cách ứng xử, cũng từng thốt ra những lời nói không hay mỗi khi nóng giận. Nhưng mẹ chưa từng yêu thương tôi sai cách. Mẹ thả tôi ra để tôi “tự bơi” giữa cuộc đời, tự trải nghiệm những điều khiến tôi đau lòng, tự ngã rồi tự đứng dậy, tự rút ra những kinh nghiệm để nâng cấp bản thân, nhưng mẹ luôn sẵn lòng ôm tôi trong vòng tay khi cần. Bởi vậy, tôi luôn yên lòng rằng dù có thế nào đi chăng nữa, mẹ vẫn là một bến đỗ bình yên cho tôi tìm về mỗi khi mỏi mệt.

Mẹ chưa từng đòi hỏi tôi phải trở thành ông này bà kia, phải đạt điểm cao nhất nhì lớp, phải đạt học bổng, phải giỏi ngoại ngữ, phải làm mẹ nở mày nở mặt, phải lấy chồng khi bước qua tuổi 25… Điều duy nhất mẹ yêu cầu tôi đó là tôi phải trở thành một người đàng hoàng, phải hiếu kính với ông bà, dành sự tôn trọng cho những người xứng đáng mà không nhìn vào địa vị xã hội của họ. Bởi vậy, tôi chưa từng vỗ ngực tự hào rằng mình giỏi giang hơn ai, nhưng tôi có thể tự tin nói rằng tôi là một người tử tế. 

Sau này, khi tôi có con, tôi sẽ dạy con như cách mà mẹ đã nuôi lớn tuôi. Tôi luôn cho rằng, dù xã hội có thay đổi như thế nào thì điều duy nhất cần bất biến đó là sự tử tế của con người. Chỉ cần con mình vui vẻ, khỏe mạnh, sống đàng hoàng thì cũng là một cách đóng góp cho xã hội, lan tỏa những giá trị tích cực. Cứ bình tĩnh mà sống thôi!

Và trong bài viết này, có thể tôi nhắc hơi nhiều lần đến sự “tử tế”, không phải tôi không tìm được từ nào thay thế, mà vì đó là hai chữ mà mẹ luôn nhắc nhở tôi và sẽ theo tôi đến hết cuộc đời. 

[totalpoll id=”6339″]

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin