MỘT ĐỜI THƯƠNG THUYẾT

Một đời thương thuyết là cuốn sách chứa đựng kinh nghiệm sâu sắc của một cuộc đời đã dành trọn cho sống và đi để đàm phán, thương thuyết. Tác giả Giáo sư/Kỹ sư Phan Văn Trường đã tích lũy đủ mọi thăng trầm trong từng trang sách đầy tâm huyết, giản dị song mang đậm chất trí tuệ.  

“Đừng để Bờm và Phú ông thất vọng”

Trong lời mở đầu, tác giả chia sẻ về sách của mình như sau:

…Nó phải là những mẩu chuyện của một ông bạn cao niên đã trầy vi tróc vẩy trong nghề nghiệp, đã đau đớn trong thất bại, đã hạnh phúc tột độ khi thắng thế….

Thương thuyết hay đàm phán hay thậm chí giao tiếp hàng ngày là đề tài quen thuộc của rất nhiều cuốn sách từ trước đến nay. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những từ khóa hay những điểm chung đó chính là nhấn mạnh đến yếu tố “Nghệ thuật”. Nghệ thuật ấy được mô tả giống một nhạc công chơi những giai điệu vừa lạ lùng, vừa quen thuộc để chinh phục khán giả hoặc như những ngôn từ khéo léo dẫn dắt tâm can người ta đến độ say mê thích thú để rồi làm theo chỉ dẫn của đối phương. Thứ nghệ thuật trong đó vẫn còn mang yếu tố “Nghệ thuật vị nghệ thuật” bởi chỉ dùng để dẫn dắt người ta đồng ý với quan điểm của mình cũng như mang lại ích lợi thiết thực cho bản thân. Thế nhưng, trong tác phẩm Một đời thương thuyết, nghệ thuật ấy đã được nâng tầm lên thành “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Điều ấy thể hiện ngay trong cách tác giả lựa chọn và phân tích ví dụ:

Thằng Bờm có cái quạt mo,

Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu

Bờm rằng bờm chẳng lấy mồi,

Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười!

Tác giả đã phân tích kĩ cuộc “thương thuyết” đậm tính dân gian dưới góc độ một nhà đàm phán lão luyện: Tại sao Phú ông đưa tài sản ra để thuyết phục Bờm? Tại sao Bờm lại từ chối tài sản của Phú ông? Tại sao khi đồng ý Bờm lại cười? Và giá trị thật sự của chiếc quạt mo là gì? Tất cả đều được lý giải với lập luận chặt chẽ song vẫn không làm mất đi chất hỏm hỉnh trong bài học nhỏ nhưng ý nghĩa lớn này.

Thương thuyết luôn là cuộc chơi giữa tôi và bạn, trong một số trường hợp là bạn và tôi, tuy nhiên nếu chỉ có chữ “tôi” thì mọi sự trở nên đổ bể. Bởi lẽ, đối phương và ta cần nhau, để thật sự hiểu và trao cho nhau những thứ song phương cùng muốn thì thương thuyết là con đường duy nhất để nhập cuộc. Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân thì người đám phán sẽ quên mất lợi ích của đối phương và nghĩ ra chiến thuật đầy ích kỷ để chuốc lấy thất bại khi kiên trì bảo vệ quyền lợi cá nhân, dồn ép để thu thập thêm phần tiện nghi hay bằng mọi cách đạt được điều mình mong muốn một cách thiếu trung thực và sòng phẳng. Dần dần, năng lực thương thuyết sẽ bị biến dạng thành những mánh khóe lừa gạt.

Trong thương thuyết, “Biết người biết ta” là rất quan trọng và để thương thuyết thành công thì không bao giờ được phép quên nguyên tắc “WIN-WIN” đôi bên cùng có lợi. Đó là một thông điệp khiến người đọc nghiền ngẫm mới có thể áp dụng mà không bị “khớp” trong những tình huống thực tế

Dù là một tác phẩm lấy đề tài thương lượng trong kinh tế nhưng Một đời thương thuyết cũng bàn đến triết lý nhân sinh, coi chữ nhẫn, chữ tâm làm gốc. Dù có năng lực quản lý, khả năng đàm phán, nắm trong tay một đội ngũ cố vấn tinh thông chuyên môn hay nguồn tài chính hùng hậu thì con người vẫn là chìa khóa giải quyết cho mọi vấn đề. Để có một con người không những biết thương thuyết mà còn biết đạo xử thế ở đời thì cần nắm vững những bài học: Bạn cư xử với người khác ra sao thì họ sẽ cư xử lại với bạn như vậy, bạn cần có lòng tự tin, bạn phải biết giá trị mọi việc, phải bỏ mọi định kiến cá nhân bên ngoài phòng họp, bạn cần nhớ cuộc thương thuyết nào cũng dễ khi bạn tìm chân lý qua sự thông cảm đôi bên, mà muốn thông cảm thì phải kính trọng nhau, bạn phải quý những đối tác mà lịch sử cho bạn gặp và cuối cùng là bài học về sự khiêm tốn.  

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin