MẸ

Khi đã là một người mẹ, tôi càng thấm thía hơn cái từ ngắn mà sao lại “nặng” tới thế. Hay tại chữ “Mẹ” có thêm dấu nặng, khác hoàn toàn với Bố, Ông, Bà, Con, Cô, Bác…

Mẹ tôi Đẹp đúng chuẩn người phụ nữ xưa: tóc dài đen láy, dáng thấp, khuôn mặt tròn phúc hậu…. Nhìn ảnh mẹ mà cứ như hoa khôi của thời đó vậy. Lấy bố tôi, tưởng chừng như cuộc sống của một Bác sĩ và Trung tá Quân đội yên ấm, hạnh phúc và là chuẩn mực của thời bấy giờ.

Với tôi, Mẹ đóng hai vai trò: vừa là Mẹ, vừa là Bố, vừa là phụ nữ dịu dàng nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ. Và khoảng thời gian tôi thấy mẹ tôi mạnh mẽ nhất đó là năm 1995.

CẢM PHỤC. Một người phụ nữ kiên cường khi phải chịu cảnh một mình nuôi hai đứa con thơ khi mới chỉ 36 tuổi. Bố tôi ốm nặng gần 1 năm trời với căn bệnh ung thư máu. Mẹ gửi hai anh em cho bà ngoại, nghỉ không lương công việc Bác sĩ trong Bệnh viện huyện để chăm bố. Tháng mẹ về 1 lần, mỗi lần mẹ về tôi giận mẹ là chủ yếu vì không hiểu sao mẹ lại bỏ tôi đi lâu thế. Hồi đó tôi mới chuẩn bị vào lớp 1, mà cái tuổi sao ngây ngô hơn bây giờ nhiều. Cái ngày bố tôi hấp hối, bệnh viện đã đưa bố về nhà, được mấy tiếng, tôi thấy mẹ lặng đi khi bố tôi trút hơi thở cuối cùng. Cả nhà lặng đi. Một đứa trẻ như tôi thức khuya cùng người lớn nhưng cũng chả hiểu gì. Chỉ thấy mẹ khẽ lau người cho bố và thay quân phục cho bố. Bố nằm yên, mẹ lặng thinh, không kêu gào mà chỉ hai hàng nước mắt tuôn rơi. Tôi nhớ như in những cử chỉ đó, chỉ có điều không nhận thức được sự mất mát lớn nhất cuộc đời này, với người phụ nữ mới có 35-36 tuổi này. 

HY SINH. 1-2 năm sau đó, tôi đi học lớp 1, 2 và cũng dần cảm nhận sự thiếu hụt của bố. Khi không có bố, tự nhiên mẹ vất vả quá, vất vả thực sự. Mẹ sửa ống nước, sửa điện, thay bóng đèn, làm đủ thứ việc ngoài việc khám cho bệnh nhân ở Bệnh viện. Khi có bố, tôi thấy mình đầy đủ lắm, cái gì cũng có đầu tiên trong xóm: Tivi, xe máy, nhà cấp 4, đồ ăn ngon… Vào thời đó, cái ngành y cũng nghèo như nông dân vậy, mẹ cũng chẳng dư dả gì hơn so với mọi người. Tôi thấy sự chật vật đó trong từng bữa ăn. Có những hôm không có thịt ăn, tôi lăn đùng ra khóc đòi ăn thịt chứ không ăn rau, ăn trứng, mẹ bảo chiều có và dỗ tôi. Và thế là mẹ cũng “xoay” được miếng thịt. Nghe thì có vẻ hoàn cảnh, thì đúng hoàn cảnh thật. Mẹ luôn cố gắng để từng bữa ăn “đầy đủ” nhất có thể cho hai anh em tôi. 

Mẹ phải nhận tăng ca trực gấp đôi, gấp ba người bình thường để tăng thu nhập. Những đêm đi trực chỉ có hai anh em ở nhà, cứ nửa đêm tối hun hút mẹ về tới cổng, thấy hai anh em ngủ say là mẹ mới yên tâm đi trực tiếp. Sáng sớm 4-5h mẹ lại về cắm cơm và chuẩn bị bữa sáng cho 2 anh em chuẩn bị đi học. Có những đêm người bác sĩ thức trắng, theo chế độ được nghỉ ngày hôm sau, nhưng mẹ đã đi làm luôn để tính công cho ngày hôm đó. Kể thì sao có thể hết được những nỗi khổ của “ngày xưa”, nhưng những thước phim này dù có già nhăn nheo đi thì với tôi nó mới như ngày hôm qua. 

Mẹ không đi bước nữa, không coi việc tìm chỗ dựa cho mình là quan trọng, mà quan trọng là cho hai anh em tôi ăn học đúng “tiêu chuẩn” bình thường nhất. Mẹ không ép anh em tôi học, chưa bao giờ ngồi kèm hàng tối mà chỉ bảo “Học xong rồi đi ngủ con nhé”. Tôi không sướng về vật chất, nhưng về tinh thần thì tôi thấy mình được thoải mái thực sự. Có lẽ vì thế mà kết quả học tập của tôi luôn đứng TOP trong lớp, đi thi trường chuyên lên cấp 3 cũng như đi chơi, 4 năm đại học luôn có học bổng để đỡ đần học phí giúp mẹ,… Tôi biết, với tuổi trẻ, khi chưa làm được gì đỡ đần mẹ thì đó là món quà quý giá nhất mà tôi có thể dành tặng mẹ, để “mua” lại một ít tuổi xuân cho mẹ.

3 năm đầu sau khi bố mất là 3 năm tôi có một hình tượng người phụ nữ kiên cường, cam chịu và hi sinh theo đúng nghĩa. Bức tượng đài này khắc sâu trong tôi. Mà có lẽ tôi bây giờ 90% là giống mẹ ở tính cách, cách xử lý tính huống và tư duy của mẹ. Còn 10% là sáng tạo để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại ?

Gì tôi cũng tự làm và háo hức làm giống y hệt mẹ tôi, kể cả những công việc của đàn ông như thông ống nước, thay bóng đèn, sửa đồ lặt vặt (đương nhiên là những lúc chồng tôi không có nhà), nhưng tôi ý thức rằng ai làm cũng được, chứ không phân biệt. Mẹ làm ngành y nên luôn dạy tôi phải sống có “Tâm”, không cần giàu có quá, chỉ cần luôn biết giúp người, không ganh đua tị nạnh là bản thân mình đã giàu rồi, đã hơn người rồi… Mẹ cho tôi thấy rằng trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu, chỉ cần nỗ lực và tin tưởng bản thân, thì hoa sẽ nở nơi cuối con đường và thành quả sẽ đến, thế nên, tôi chưa bao giờ chùn bước trước khó khăn, vì với tôi chưa có khó khăn nào đủ lớn như khó khăn Mẹ đã gặp phải và gánh chịu, nên mọi chuyện đều phải lạc quan để sống. 

Bất cứ người Mẹ nào cũng đều vĩ đại và hình tượng như thế. Chỉ có điều trong mỗi hoàn cảnh, họ sẽ biến hoá khác nhau mà thôi. Và ở hình tượng nào, họ cũng luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất tới với các con yêu của mình. MẸ TÔI ĐẤY, YÊU MẸ.

[totalpoll id=”6339″]

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin