Doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải, chủ tịch tập đoàn Alphanam
Doanh nhân sẽ phải đập cùng nhịp với đất nước
Khó khăn nhiều khi lại là chất xúc tác khơi dậy mọi năng lực, khát vọng phát triển và nhu cầu gắn kết của người Việt. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm lại sự mạnh mẽ bằng chính các tố chất này.
1. Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam nhìn vào chiếc điện thoại đang nháy sáng, mắt ánh lên: “Xin lỗi, tôi phải nghe điện thoại. Linh LIOA gọi. Đã rất lâu chúng tôi không gọi cho nhau”.
Linh Lioa là ông Nguyễn Chí Linh, Giám đốc Công ty TNHH Lioa. Khởi nghiệp gần như cùng lúc, năm 1994 với Lioa và năm 1995 với Alphanam, ông Hải và ông Linh đều tham gia Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội từ những ngày đầu tiên. Câu chuyện của những kinh doanh không dông dài. Ông Linh cần thang máy của Alphanam, nên đã gọi. Hai ông chủ nhanh chóng chốt xong một thương vụ và cả một cuộc gặp mặt.
“Covid-19 cũng có mặt tích cực, khiến chúng tôi có thời gian để nhớ về nhau, nghĩ đến nhau và nghĩ cách hợp tác với nhau. Tháng trước, Alphanam và Bamboo Airway cũng đã ký cam kết sử dụng sản phẩm của nhau. Tháng 10 này, tôi cũng kín lịch gặp các bạn doanh nhân trẻ, để bàn kế hoạch kết nối kinh doanh. Alphanam có nhiều sản phẩm, dịch vụ, nên có nhiều bạn bè”, ông Hải hồ hởi chia sẻ.
Nói đến Alphanam thời điểm này, có lẽ phải nói đến cả hệ sinh thái mà ông Hải đã gây dựng suốt 25 năm qua. Khởi đầu bằng vị trí một nhà thầu xây dựng, cơ điện và cung cấp dịch vụ thương mại, hệ sinh thái Alphanam giờ đã có hội tụ những thương hiệu hàng đầu, với sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp có thang máy FujiAlpha, Alpec; sơn Kansai-Alphanam; thiết bị vệ sinh TOTO… Trong bất động sản, Alphanam đang hợp tác với thương hiệu quốc tế như Marriott International, InterContinental Hotels Group, Ri-Yaz Hotels & Resorts… trải dài từ Bắc vào Nam.
Nhưng lúc này, ông Hải có vẻ đặt nhiều sự quan tâm vào các chuỗi sản xuất trong hệ sinh thái của mình, vì sự tăng trưởng khá bất ngờ. Doanh thu của nhiều công ty tăng tới 300% chính trong dịp nghỉ giãn cách.
“Hóa ra, lúc trước bận rộn quá, nhiều người không nghĩ đến căn nhà của mình, giờ việc ít hơn, nhiều gia đình sơn sửa nhà cửa, thế là sơn của Kansai-Alphanam bán được. Nhiều gia đình có nhà 4-5 tầng, đúng dịp này ở nhà nhiều, đi lên xuống mỏi quá, họ quyết định lắp thang máy, thế là thang máy FujiAlpha bán được nhiều hơn. Đội ngũ dịch vụ bán hàng, chăm sóc khách hàng vui vì được bận rộn”, ông Hải kể.
Tất nhiên, mọi việc không dễ dàng như vậy. Nghe ông kể, khi Covid-19 xuất hiện, xung quanh người người, nhà nhà đều bàn đến phòng thủ, đến chậm lại, nghe ngóng, ban lãnh đạo của Alphanam cũng đau đáu, họp rất nhiều. “Tôi đã nghĩ đến phòng thủ, tính đến các phương án chậm lại, các kế hoạch phòng ngừa rủi ro. Nhưng đội ngũ điều hành lại tập trung bàn chủ đề tấn công và quyết định chọn tấn công”, ông Hải kể.
Trong phòng họp của Chủ tịch Hải, nhiều cuộc họp đã diễn ra, không chỉ trong nội bộ ban lãnh đạo của Alphanam mà với nhiều chuyên gia kinh tế để tìm các phương án tấn công. Chiếc bàn lớn ở đó nhiều năm đã được chuyển đi, tạo không gian cho các cuộc làm việc trực tuyến với màn hình lớn và hệ thống thiết bị vừa được lắp. Các phần mềm họp trực tuyến cũng được trang bị cho lãnh đạo các phòng ban, để phòng khi tấn công mà có người bị bệnh, buộc phải cách ly cả bộ phận liên quan…
“Điều ngạc nhiên là khi phương án tấn công được chọn, không khí cả Tập đoàn thay đổi hẳn. Ai cũng nghĩ cách tấn công, làm việc trong tâm thế tấn công để có doanh thu, có việc làm, để không bị giảm thu nhập”, ông Hải nói và kể câu chuyện của thang máy FujiAlpha.
Được thành lập cách đây 15 năm, Công ty Liên doanh FujiAlpha (một thành viên của Alphanam Group) được thành lập vốn chỉ tập trung vào khâu sản xuất, đưa công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất. Công ty là nhà thầu cung cấp và lắp đặt thang máy cho nhiều công trình ông Hải gọi là mang dấu ấn của sự phát triển, như Khách sạn Altara Suites & Four Points by Sheraton Đà Nẵng; Khách sạn Courtyard by Marriott và Marriott Executive Apartments Đà Nẵng, Tòa căn hộ King Palace Hà Nội, Tòa căn hộ Altara Residences Quy Nhơn hay thang cuốn dài nhất Việt Nam tại Vinpearl Nha Trang…
Nhưng năm nay, FujiAlpha quyết định phát triển mạnh mạng lưới phân phối, dịch vụ kỹ thuật và chăm sóc khách hàng… Quý II/2020, ngay lúc dịch bệnh vẫn đang phức tạp, Công ty đã thành lập các văn phòng đại diện, trung tâm dịch vụ kỹ thuật và chăm sóc khách hàng khắp mọi miền đất nước, từ Hà Nội, Yên Bái, TP. HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, An Giang…, để có mặt ngay khi khách cần.
“Bình thường, đội ngũ bán hàng, chăm sóc khách hàng sáng tạo, tâm huyết bao nhiêu để bán hàng, phục vụ khách hàng thì lúc dịch bệnh, sức sáng tạo, trách nhiệm và uy tín đòi hỏi được nhân lên gấp bội. Nhưng đã chọn tấn công có nghĩa là không có giới hạn về sức làm việc, sức sáng tạo”, ông Hải tự hào kể về đội ngũ của Alphanam.
2. Rất nhiều lần, ông Hải nhắc tới những niềm tự hào của người kinh doanh, dù gian nan thế nào cũng vẫn tiếp tục dấn thân. Thậm chí, niềm tự hảo đó lớn hơn khi vượt qua được khó khăn, giữ được công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, nộp thuế cho Nhà nước.
“Tôi vẫn nghĩ, chúng tôi giống như những người lính ra trận, biết chắc có thể sẽ không về được nhưng vẫn đi. Người kinh doanh cũng vậy, lao vào thương trường sóng gió, va vấp, nhiều người bị vùi dập, nhưng vẫn đau đáu. Lý do là chúng tôi biết giá trị mà mình muốn đem lại cho xã hội. Với người lính, đó là sự bình yên, với doanh nhân, đó là sự ấm no của các gia đình người lao động, là góp vào sự phát triển của đất nước. Có thể không phải mọi người đều công nhận điều này, vì giá trị cùa chúng tôi làm chưa đủ lớn, nhưng chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết mình”, ông Hải chia sẻ điều muốn nói trong Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay.
Thực tế, chỉ cần nhìn vào số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, đóng cửa, sẽ thấy thời đó kinh tế ra sao. Năm 2011, lần đầu tiên trong báo cáo về tình hình doanh nghiệp có nội dung về doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, cũng là năm kinh tế Việt Nam ngấm đòn bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu 2 năm trước đó. Năm nay, Covid-19 mang đến số lượng kỷ lục doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngừng.
Ông Hải có quan điểm rạch ròi và không đánh giá việc này, vì cho rằng, chuyện tiến lùi là của mỗi người. Có thể đây là một đợt thử lửa, để ai yếu mà ra gió đành phải lùi lại. Cũng có doanh nghiệp lớn, doanh nhân lớn ngừng lại vì không thấy lợi nhuận, lợi ích. Cũng có doanh nghiệp lùi bước vì rủi ro từ cơ chế, chính sách mà họ không thể tiên liệu được…
“Nhưng với những doanh nhân chọn kinh doanh là sự nghiệp, là cống hiến như tôi thì vì giữ người lao động ở lại, vì muốn tạo nhiều việc làm, vì muốn tạo ra nhiều công trình để đời… thì phải tiếp tục nghĩ cách làm, sẽ tiếp tục xây dựng và đương nhiên không lùi bước. Tôi vốn không màu mè, hô khẩu hiệu xuông. Triết lý của Alphanam là nói ít làm nhiều, nói thật làm thật, đã hứa là làm. Nên chúng tôi làm và làm, dù có lúc vá lưới hay lúc tấn công thận trọng như bây giờ”, ông Hải chia sẻ.
Trong bối cảnh này, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân chỉ cần nỗ lực như vậy, gió sẽ góp thành bão, tạo ra từng điểm GDP cho nền kinh tế. Nhưng, ông Hải cũng nói, doanh nghiệp thực sự cần một môi trường thể chế, môi trường xã hội ủng hộ nỗ lực này.
TRÒ CHUYỆN VỚI DOANH NHÂN NGUYỄN TUẤN HẢI
Ông có sợ Covid-19 không?
Không! Covid đã tạo môi trường, thúc đẩy những năng lực đặc biệt của người Việt. Như trong chiến tranh, trong khó khăn, người Việt Nam luôn mạnh mẽ hơn. Mọi người đoàn kết, hợp tác, nỗ lực hơn rất nhiều.
Hiểu tình thế, văn hóa của người Việt như vậy, để có cách thúc đẩy “các anh hùng” xuất hiện trong nội bộ doanh nghiệp, trong cộng dồng doanh nghiệp và trong các ngành nghề, lĩnh vực khác. Thậm chí, tôi cho rằng, đây là thời điểm tốt nhất để thúc đẩy hết các năng lực, khát vọng của người Việt. Người Việt có câu “thời thế sinh anh hùng” là vậy.
Nhưng tôi sợ virus sợ hãi.
Virus sợ hãi nghĩa là gì vậy, thưa ông?
Vì sợ, sẽ không ai làm gì cả, sẽ kéo nhau dừng lại. Trong kinh doanh, thị trường biến động liên tục, ngừng lại, không sáng tạo, sợ hãi sáng tạo là sẽ chết. Lúc này, điều quan trọng nhất là tháo gỡ các điểm tạo nên sợ hãi, để mọi người lao vào công việc.
Chính phủ đang làm rất tốt việc kiểm soát dịch bệnh, giờ là lúc tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn của môi trường kinh doanh để doanh nghiệp tranh thủ thời gian, thực hiện được các kế hoạch kinh doanh đang bị dừng lại. Lúc này, tôi nghĩ cần các công chức thực sự dám làm, dám cùng với doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Chúng ta đang kỳ vọng vào cơ hội bắt kịp, đi cùng thế giới và có thể vượt lên ở một vài lĩnh vực trong bối cảnh hiện tại. Ông nghĩ thế nào về cơ hội này của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam?
Chúng tôi muốn doanh nghiệp của mình trường tồn và vẫn chuẩn bị cho điều đó, bắt đầu bằng con người. 10 năm trước, chúng tôi chuẩn bị nhân sự cho thời điểm này, đó là những người thế hệ 8x. Còn bây giờ, chúng tôi đang tìm kiếm, đào tạo thế hệ 9x, để 25 năm nữa, họ sẽ dẫn dắt Alphanam 50 tuổi.
Nhưng trên hết, tôi phải nghĩ đến Việt Nam sẽ đi đến đâu trong 20 -25 năm tới. Doanh nghiệp, doanh nhân sẽ phải đập cùng nhịp với đất nước, phải thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Nên nếu Việt Nam muốn thành một Singapore, hay một cường quốc trong thập kỷ tới, cần phải có chiến lược phát triển, tư duy phát triển để các doanh nghiệp muốn lớn lên, sẵn sàng lớn lên, giàu có hơn, sẵn sàng bước ra thế giới và đóng góp nhiều giá trị hơn cho đất nước.