CUỘC THI “ĐI TÌM THỦ LĨNH ALPHANAM” VÀ NHỮNG MÀN TRANH TÀI NẢY LỬA

Nối tiếp chương trình Hội nghị Nhân sự Alphanam Quý II/ 2023, chiều ngày 10/5, tại 33A Bà Triệu, Hà Nội cuộc thi “Đi tìm thủ lĩnh Alphanam” đã được tổ chức. Trải qua 3 vòng thi gay cấn Thủ lĩnh thông thái – Thủ lĩnh tài ba – Thủ lĩnh kiệt xuất, gần 100 thành viên tham dự đã có nhiều trải nghiệm hữu ích trên những sân chơi kiến thức đa dạng đồng thời thể hiện khả năng thi đấu cá nhân và đội nhóm của những thủ lĩnh Alphanam.

Cuộc thi được lấy cảm hứng từ phẩm chất Nhân – Nghĩa – Trí – Dũng cũng là những phẩm chất cần có của người lãnh đạo. Người lãnh đạo có Nhân là người biết yêu thương, lắng nghe, chia sẻ; người lãnh đạo có Nghĩa là người biết nhìn nhận, đánh giá nhân viên công bằng, khách quan luôn vì lợi ích tập thể; người lãnh đạo có Trí là người sáng suốt, có tầm nhìn biết huy động trí năng của các tập thể; người lãnh đạo có Dũng là người dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tập thể.

 “Đi tìm thủ lĩnh Alphanam” là cuộc thi dành riêng cho CBQL, Cán bộ lãnh đạo từ cấp C3 đến C7 do Alphanam tổ chức. Tham gia chương trình là 91 cán bộ ưu tú tại điểm cầu Hà Nội, sự hỗ trợ của hơn 40 cán bộ đến từ các đầu cầu trên khắp cả nước và các thành viên Ban giám khảo cuộc thi.

Thành phần Ban giám khảo tại cuộc thi gồm có: Bà Nguyễn Ngọc Mỹ – Phó Chủ tịch HĐQT Alphanam Group – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Alphanam; ông Nguyễn Minh Nhật – Phó Chủ tịch HĐQT Alphanam Group – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam; bà Đào Thị Thu Giang – Chủ tịch HĐQT Công ty thành viên Alphanam Group; ông Ngô Trung Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty thành viên Alphanam Group; bà Nguyễn Thùy Minh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ATA Pharma.

VÒNG 1 – THỦ LĨNH THÔNG THÁI

Trong vòng thi đầu tiên, toàn thể các thành viên tham gia sẽ được thể hiện hiểu biết chung của mình qua các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực như: Kinh tế, Chính trị, Văn hóa, Xã hội. Đặc biệt, những tiêu chí của vòng thi này phù hợp với 1 trong 4 chữ “Hiểu rõ” của chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải trong phần chia sẻ tại Hội nghị Nhân sự đã diễn ra vào buổi sáng: “Hiểu rõ Kinh tế, Chính trị, Xã hội, Pháp luật Việt Nam và Thế giới để thích ứng linh hoạt”.

Với bộ câu hỏi 12 câu gồm: 5 câu hỏi trắc nghiệm, 1 câu hỏi hình ảnh và 6 câu hỏi tự luận cùng 10 giây trả lời cho mỗi câu, các thành viên tham gia không ít lần có sự lung lay và phải rời vị trí trên sàn thi đấu. Sau các phần cứu hộ của các thành viên hỗ trợ trên các điểm cầu Online cùng các câu hỏi phụ, Ban tổ chức đã tìm ra được 60 thành viên xuất sắc nhất trong tổng 91 người tham gia vòng 1.

Một số câu hỏi nổi bật tại vòng thi số 1 khiến không ít những “thủ lĩnh” của chúng ta phải rời khỏi sàn thi đấu:

– Trên la bàn, kim chỉ hướng đông hợp với kim chỉ hướng nam một góc bao nhiêu độ?

– Dân số của thành phố Hà Nội tính đến đầu năm 2023 là bao nhiêu người?

– Một người đứng trên mũi thuyền, cách mặt nước 1,5m; một giờ sau, nước dâng lên cao thêm 50cm nữa. Hỏi lúc này, người đó đứng cách mặt nước bao nhiêu cm?

– Tháng 4 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức triển khai gói tín dụng cho nhà ở xã hội trị giá khoảng bao nhiêu tiền?

– Thang máy điện đầu tiên được phát minh ở quốc gia nào?

– Kể tên 03 nhân vật nam trong Truyện Kiều?

– Quốc gia nào sau đây không thuộc khối ASEAN?

Kết thúc vòng 1, 60 thí sinh xuất sắc ở lại sàn thi đấu và bước tiếp vào vòng thi thứ 2.

VÒNG 2 – THỦ LĨNH TÀI BA

Tại vòng thi thứ 2, 60 thành viên tham dự được bốc thăm và chia thành 6 đội khác nhau. Các đội thi sẽ tiến thành bàn luận và giải quyết lần lượt 6 tình huống dành cho 6 đội. Vòng thi này, các thành viên được thể hiện khả năng làm việc nhóm, năng lực xử lý tình huống và năng lực ra quyết định qua 6 tình huống dựa trên những thực trạng nóng hổi xảy ra tại nhiều doanh nghiệp.

Tình huống 1: Phòng Kinh doanh có 2 nhân viên là A và B (A là nhân viên mới còn B là nhân viên lâu năm). Sau 6 tháng làm việc, A đã chứng minh được năng lực và được bổ nhiệm làm trưởng nhóm phụ trách 5 nhân sự trong đó có nhân viên B. Từ lúc đó, B luôn thể hiện thái độ bất mãn, làm việc chống đối. Là quản lý của phòng, anh/chị sẽ xử lý thế nào?

Trả lời: Với tình huống này, đội số 1 – “Bền Vững” đã đưa ra một số giải pháp bằng cách gặp gỡ 2 nhân sự A và B để nói chuyện, trao đổi lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ của các bạn. Bên cạnh đó là việc chứng minh năng lực của A trong thời gian 6 tháng làm việc là xứng đáng với vị trí trưởng nhóm bằng cách xây dựng KPI chung cho để cả 2 bạn cùng nhau thực hiện.

Tình huống 2: Là một nhân viên kỹ thuật kỳ cựu trong ngành thang máy liên tục đưa ra những sáng kiến cải tiến được áp dụng vào thực tế, anh A được bổ nhiệm lên làm vị trí trưởng phòng. Kể từ khi được bổ nhiệm, anh A thường xuyên phải làm các báo cáo và tham gia các cuộc họp, không có thời gian tập trung cho việc nghiên cứu sáng tạo của mình – một công việc mà anh A rất yêu thích làm anh cảm thấy rất căng thẳng và chán nản. Nếu là trưởng ban nhân sự, anh/chị sẽ đưa ra cách thức giải quyết tình huống này như thế nào?

Trả lời: Đội thứ 2 – đội “19/8” đưa ra cách giải quyết cho tình huống này bằng cách: để trưởng phòng và trưởng ban chuyên môn bàn bạc cho anh A thời gian thử thách khoảng 2 tháng, bên cạnh đó vẫn có sự hỗ trợ về đào tạo, cung cấp nguồn lực, hỗ trợ sắp xếp công việc,…để biết được nhân sự này có thể đảm nhiệm vai trò cao không.Và sau 2 tháng ban lãnh đạo sẽ review và đánh giá lại kết quả của anh A.  

Tình huống 3: Do tình hình kinh doanh không tốt, công ty anh/chị gặp khó khăn về dòng tiền dẫn đến việc thanh toán cho các đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng bị chậm thời hạn nhiều lần. Nhiều đơn vị nhà cung cấp đã gây sức ép và thậm chí thông báo dừng việc cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang rất cần nguồn vật liệu để triển khai xây dựng dự án mới, nhân viên trong phòng Cung ứng phải chịu nhiều sức ép, dẫn đến mệt mỏi về tinh thần. Là cán bộ quản lý của công ty, anh/chị sẽ làm gì?

Trả lời: Với tình huống này, đội số 3 – đội “A+” đã có phần trình bày rõ ràng và chi tiết:

Về phía đối ngoại: nhờ Ban lãnh đạo đến gặp trực tiếp Nhà cung cấp để thương lượng và đàm phán để đảm bảo không đứt chuỗi cung ứng; đưa ra kế hoạch, tiến độ thanh toán rõ ràng để nhà cung cấp cảm thấy yên tâm hơn; đồng thời chủ động tìm nhà cung cấp mới để có phương án dự phòng.

Về phía đối nội: họp phối hợp các bộ phận để tìm hướng giải quyết vấn đề đồng thời xin ý kiến lãnh đạo; dành những lời động viên củng đến nhân sự đang phụ trách công việc này.

Tình huống 4: Anh A là nhân viên của công ty. Trong một lần vô ý, A đã chụp ảnh bãi tập kết rác phía trước toà nhà do công ty làm chủ đầu tư và đăng trên facebook cá nhân của A, bài đăng này ngay lập tức nhận nhiều bình luận tiêu cực từ cộng đồng mạng về tòa nhà. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi báo chí đưa tin, khách hàng hoài nghi và tẩy chay mua căn hộ. Tuy việc làm của A là vô tình nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, là quản lý trực tiếp của nhân viên A, anh/chị sẽ xử lý tình huống trên như thế nào?

Trả lời: Đối với tình huống thứ 4, các thành viên của đội 4 – “Bứt Phá” đã đưa ra cách giải quyết bằng các bước:

  • Xử lý truyền thông và đính chính lại thông tin qua các kênh tin tức, báo chí, mạng xã hội
  • Gặp gỡ khách hàng và đưa ra những cam kết để duy trì niềm tin và giúp khách hàng yên tâm hơn
  • Gặp gỡ nhân viên A trao đổi, xử lý vấn đề và yêu cầu nhân viên A gỡ bài xuống
  • Truyền thông nội bộ tới toàn thể CBNV để tránh những tình huống tương tự gặp lại
Phần trả lời của Đội số 4

Tình huống 5: Theo chủ trương chung, công ty đang triển khai số hóa để đồng bộ hóa dữ liệu với cơ sở dữ liệu chung của tập đoàn. Tuy nhiên, anh/chị nhận được nhiều phản ứng từ nhân sự của công ty không muốn áp dụng số hóa do đã quen với cách làm trước đây và cho rằng cách làm mới không giảm bớt mà ngược lại còn gia tăng khối lượng công việc, tốn thêm thời gian khi triển khai thực tế. Là cán bộ quản lý công ty, anh/chị sẽ làm gì?

Trả lời: Liên quan đến việc áp dụng công nghệ số trong công việc, Đội số 5 – “Chiến Thắng” đã xử lý tình huống bằng việc nêu ra các vấn đề như: chủ trương số hóa của nhà nước đã được phổ biến rộng rãi; phân tích những ưu điểm, nhược điểm của số hóa; triển khai hỗ trợ và đào tạo để giảm khó khăn trong quá trình sử dụng số hóa của nhân sự; và cuối cùng đưa ra phương án thi đua để hoàn thiện việc triển khai đồng bộ sớm nhất, hiệu quả nhất.

Phần thảo luận của Đội số 5

Tình huống thứ 6: Anh/chị là một cán bộ quản lý có nền tảng chuyên môn và kỹ năng quản lý đội nhóm tốt trong công ty, tuy nhiên có một lần do sơ suất anh/chị đã gây mâu thuẫn với một khách hàng VIP, lãnh đạo công ty buộc phải can thiệp và đứng ra xin lỗi. Từ đó, lãnh đạo công ty mất lòng tin và không giao việc quan trọng cho bộ phận anh/chị phụ trách nữa. Anh/chị sẽ làm gì để giải quyết vấn đề này?

Trả lời: Đội 6 đã đưa ra giải pháp cho tình huống này như sau: trước hết phải biết nhìn nhận lỗi sai để rút kinh nghiệm cho bản thân. Sau đó, tránh việc nản chí trong công việc, và cố gắng hoàn thành tốt từ những việc nhỏ nhất, và dần dần thuyết phục, lấy lại được niềm tin của ban lãnh đạo. Bên cạnh đó, đào tạo bổ sung kỹ năng giao tiếp của bản thân.

Phần trình bày của Đội số 6

VÒNG 3 – THỦ LĨNH KIỆT XUẤT

Đây là vòng thi cuối cùng và là vòng thi quyết định điểm số của 6 đội thi và tìm ra đội nào sẽ là đội giành chiến thắng, thủ lĩnh nào sẽ là thủ lĩnh xuât sắc nhất. Tại vòng thi này, người tham gia được thể hiện rõ nét nhất khả năng phản biện về tư duy chiến lược, tư duy lập luận và bảo vệ quan điểm của mình.

6 đội chia làm 3 cặp đối kháng. Mỗi cặp đối kháng sẽ có một người đứng vai trò “ủng hộ quan điểm” và một người đứng vai trò “phản đối quan điểm”

Câu hỏi cho cặp đối kháng số 1: Có quan điểm cho rằng: Lãnh đạo chỉ cần quan tâm đến kết quả cuối cùng mà không cần quan tâm đến quá trình làm việc của nhân viên.

Ủng hộ – Anh Phạm Văn Phú – Phó Tổng giám đốc CTCP Thang máy FUJIALPHA: với vai trò là người ủng hộ, anh Phú đã phân tích tầm quan trọng của kết quả cuối cùng của công việc. Khi nhận nhân sự vào một vị trí nào đó, là người quản lý, mình đã xem xét trước và biết được những khả năng của cá nhân này phù hợp với công việc của phòng ban. Chính vì vậy, chúng ta chỉ cần quan tâm đến kết quả cuối cùng, và kết quả cuối cùng sẽ nói nên tất cả.

Anh Phạm Văn Phú

Phản đối – chị Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng giám đốc Flying Kites: không đồng tình với quan điểm trên, chị đưa ra ý kiến: việc quan tâm đến quá trình làm việc của nhân viên là vô cùng quan trọng, bởi vì ngoài kết quả công việc, thì trong quá trình làm việc có rất nhiều hoạt động khác diễn ra như thường xuyên phối hợp với các phòng ban, tham gia các hoạt động của doanh nghiệp,…

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương

Câu hỏi cho cặp đối kháng số 2: Kể cả khi trong bộ phận vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận thì quyết định của lãnh đạo là quyết định cuối cùng, nhân viên chỉ cần làm theo.

Ủng hộ – chị Nguyễn Thị Ngọc Tú – Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Công ty Cổ phần ATA Pharma. Để bảo vệ quan điểm này, chị Ngọc Tú đã đưa ra các luận điểm: Lãnh đạo là người được trao quyền dẫn dắt đội nhóm và được giao trọng trách đưa ra quyết định; lãnh đạo cần phải dũng cảm lựa chọn, không nên mềm yếu trước nhiều ý kiến trái chiều; Việc người lãnh đạo chủ động và dứt khoát đưa ra quyết định sẽ tạo tiền đề giúp nâng cao kỹ năng lãnh đạo nhiều hơn; cần rút ngắn thời gian tham khảo ý kiến tất cả mọi người để đưa ra một quyết định nhanh chóng sẽ giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tú

Phản đối – anh Mathew Hồ Trần – Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần A79 đưa ra quan điểm: là một nhà lãnh đạo trước tiên là phải biết lắng nghe và chia sẻ. Khi có nhiều ý kiến chưa đồng thuận phải xem xét các ý kiến và bàn bạc lựa chọn ý kiến được coi là phù hợp với chiến lược phát triển công ty nhất.  

Anh Mathew Hồ Trần

Câu hỏi cho cặp đối kháng số 3: Có ý kiến cho rằng: Nhân sự làm việc hiệu quả là nhân sự biết sắp xếp để làm xong việc trong 8 giờ hành chính. Do đó, sau giờ làm, nhân viên không cần có các giao tiếp công việc với đồng nghiệp, cấp trên.

Ủng hộ – chị Nguyễn Thị Tươi – Trưởng phòng Nhân sự Công ty Cổ phần Alphanam E&C. Đứng tại vị trí của người ủng hộ, chị Tươi đưa ra một số luận điểm như: làm việc trong 8h hành chính để đảm bảo hiệu suất công việc là tốt nhất. Thời gian còn lại nhân sự có thể dành thời gian cho bản thân, cho gia đình, con cái và lấy lại năng lượng để làm tốt các công việc tiếp theo.

Chị Nguyễn Thị Tươi

Phản đối – Trịnh Hoàng Dũng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Zeta EC: với vị trí là người phản đối quan điểm, anh Dũng cho rằng, việc giao tiếp về công việc với đồng nghiệp và cấp trên là cần thiết vì trong công việc luôn có những vấn đề phát sinh bên ngoài, và nếu không giải quyết và xử lý đúng thời điểm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn. Ngoài ra, việc này còn giúp thể hiện sự nhiệt tình của mình với lãnh đạo đồng thời tạo nhiều giá trị cho bản thân trong phát triển sự nghiệp.

Anh Trịnh Hoàng Dũng

Theo dõi không khí cũng như diễn biến các cuộc tranh tài đầy hồi hộp tại các vòng thi, vị khán giả đặc biệt – Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải đã bày tỏ cảm xúc trước phần thi của các đội chơi. Ấn tượng với 3 nội dung được đưa ra tại vòng thi cuối cùng, chủ tịch bày tỏ quan điểm cá nhân của mình với từng chủ đề, nội dung được đưa ra dành cho 3 cặp thi. Đặt biệt với nội dung câu hỏi cho cặp thi thứ 3 – “Nhân sự làm việc hiệu quả là nhân sự biết sắp xếp để làm xong việc trong 8 giờ hành chính. Do đó, sau giờ làm, nhân viên không cần có các giao tiếp công việc với đồng nghiệp, cấp trên”, chủ tịch chia sẻ: “Mỗi một con người, mỗi một vị trí, mỗi một vai trò đều có sự lựa chọn của riêng mình, tuy nhiên, mỗi người chúng ta đều sẽ tìm cho mình cách sử dụng hiệu quả nhất. Có thể trong 8h, chúng ta coi công việc là niềm vui hoàn thành, thì những lúc làm ngoài giờ, công việc cũng sẽ tạo nên sự thành công của mình, làm gia tăng giá trị cho bản thân mình. Đây sẽ không còn là chủ đề của nội bộ lãnh đạo, mà là chủ đề của tất cả chúng ta và sẽ cần có thêm nhiều cuộc thảo luận hơn nữa để làm thế nào có một môi trường làm việc tốt nhất”.

Kết thúc 3 vòng thi, sau những phút cầm cân nảy mực, Ban giám khảo đã đưa ra những điểm số và những giải thưởng xứng đáng nhất dành cho 6 đội chơi.

Giải đồng đội

  • 01 Giải Nhất: Đội số 6 “Thiên Điểu”
  • 01 Giải Nhì: Đội số 2 “19/8”
  • 01 Giải Ba: Đội số 5 – Đội “Chiến thắng”
  • 03 Giải Khuyến khích: Đội số 1 “Bền vững” – Đội số 3 “A+” – Đội số 4 “Bứt phá”
Giải Nhất
Giải Nhì
Giải Ba
Giải Khuyến khích

Giải cá nhân xuất sắc

03 Thủ lĩnh xuất sắc nhất:

  • Mr. Mathew Hồ Trần
  • Mr. Trịnh Hoàng Dũng
  • Ms. Nguyễn Thị Ngọc Tú

Giải đầu cầu trả lời nhanh nhất và đúng nhất.

Với sự tham gia của nhiều điểm cầu Alphanam trả lời các câu hỏi “giải cứu” thí sinh của cuộc thi; 2 điểm cầu nhận được giải thưởng “Đầu cầu trả lời nhanh nhất và đúng nhất” là: đầu cầu An Giang và đầu cầu Quy Nhơn.

Giải bốc thăm may mắn

3 thành viên tham gia chương trình giành Giải May mắn

Cuộc thi “Đi tìm thủ lĩnh Alphanam” khép lại đã để lại nhiều ấn tượng với các thành viên tham dự và đã tạo nên một sân chơi bổ ích, thiết thực nâng cao tinh thần học hỏi, sự bền bỉ cùng vượt qua giới hạn của bản thân của các Cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý. Qua đó truyền cảm hứng tới toàn thể người Alphanam, đặc biệt là sự trau dồi tư duy xây dựng kế hoạch nhân sự, khả năng làm việc nhóm, tư duy xử lý vấn đề của các cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo của tập đoàn. Với sự diễn ra thành công tốt đẹp, cuộc thi “Đi tìm thủ lĩnh Alphanam” chắc chắn sẽ là một trong những sự kiện để lại nhiều dấu ấn trong chuỗi các hoạt động trên hành trình Vượt Vũ Môn của Alphanam trong năm thứ 28.

CÙNG NHÌN LẠI NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐÁNG NHỚ VÀ NGẬP TRÀN TIẾNG CƯỜI!!!

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin