CHỦ TỊCH NGUYỄN TUẤN HẢI: “CỨ NỖ LỰC THÌ LÚC NÀO CŨNG LÀ CƠ HỘI”

“Ý chí không tự nhiên sinh ra mà được chuyển từ sự hèn nhát của người này sang sự nỗ lực vươn lên của người kia bằng việc nắm bắt cơ hội. Khi chúng ta nỗ lực thì thấy chỗ nào cũng là cơ hội. Khi chúng ta coi thách thức là cơ hội thì không còn nhìn thấy khó khăn. Thời điểm hiện nay, người Alphanam cần sự dẻo dai, sắc bén, mỗi người là một cây tre, chúng ta tạo thành một rừng tre với sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn, thách thức” – Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải chia sẻ về ý chí, niềm tin trong tọa đàm “Dáng hình Ý chí” được tổ chức vào chiều ngày 18/8/2023, tại 33A Bà Triệu (Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Đâu là lời giải cho bài toán giải quyết khó khăn của Alphanam trước bối cảnh khủng hoảng kinh tế Việt Nam và thế giới, bài viết xin trình bày toàn bộ nội dung tọa đàm Hội nghị Nhân sự Alphanam – “Dáng hình Ý chí” thông qua phần chia sẻ của Chủ tịch Tập đoàn Alphanam Nguyễn Tuấn Hải và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam Nguyễn Minh Nhật, chương trình được dẫn dắt bởi Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Alphanam Nguyễn Ngọc Mỹ.

Tổng Giám đốc Ngọc Mỹ: Thưa Chủ tịch, bối cảnh thị trường bất động sản hiện tại như thế nào? Những rủi ro, khó khăn, thách thức, cơ hội là gì? Trong bối cảnh đó, chiến lược phát triển sản phẩm ngắn và dài hạn của Alphanam được định hướng như thế nào, có thay đổi gì không?

Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải: Câu chuyện vĩ mô có thể lạc lõng so với những việc chúng ta đang lo lắng cụ thể hằng ngày. Tuy nhiên, phải nhìn vĩ mô, chúng ta mới có giải pháp cụ thể và nhìn nhận, đánh giá tầm nhìn dài hạn hơn. Với vai trò là người thủ lĩnh, dẫn dắt ý chí, tinh thần Tập đoàn, tôi dành nhiều thời gian đánh giá các vấn đề vĩ mô để nhìn ra con đường cho Alphanam trong vòng 3 – 5 năm tới.

Vấn đề này có nhiều góc nhìn khác nhau và quan điểm khác nhau, nhưng quan điểm của tôi là bắt đầu từ kinh tế vĩ mô và địa chính trị từ thế giới đến Việt Nam, đến ngành bất động sản và đến Alphanam.

Trên thế giới, tại sao bây giờ lại khó khăn hơn thời covid. Lý do, covid là một căn bệnh có thuốc chữa, đã tìm ra thuốc chữa. “Bệnh” của thời điểm bây giờ cùng một lúc nhiều thứ “bệnh”, cùng một lúc nhiều thứ xảy ra. Bây giờ đang là cuộc đấu tranh về quyền lực: đa cực hay đơn cực, ai là người dẫn dắt, ai là người đứng đầu… Điều này dẫn đến sự bất ổn và xung đột chỉ mới bắt đầu. Vì vậy, cũng giống như thời kỳ đầu của covid, lúc chưa có thuốc chữa, bất ổn là đang vô định và chưa xác định được bao giờ là kết thúc. Trước đây, sự bất ổn kết thúc bằng vũ khí hạt nhân hay các cuộc chiến tranh dai dẳng như chiến tranh lạnh năm 1949 đến tận năm 1972, khi Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau và năm 1991 chế độ chủ nghĩa xã hội sụp đổ. Khi đó, chiến tranh lạnh kết thúc, bước sang một trang mới. Bây giờ, chiến tranh lạnh lần 2 đang quay lại, kéo dài bao nhiêu năm là vô định dẫn đến khủng hoảng về niềm tin. Khủng hoảng niềm tin dẫn đến tư tưởng phòng thủ. Tư tưởng phòng thủ dẫn đến nhiều thứ chậm lại. Những điều đó nảy sinh những bất ổn trên toàn cầu và làm cho kinh tế của số đông các nước trên toàn thế giới bị ảnh hưởng.

Tại Việt Nam, chúng ta có nhiều vấn đề lớn mà tôi nghĩ tác động đến kinh tế Việt Nam. 

Đầu tiên, chúng ta đổ lỗi cho thế giới: thế giới như thế nên ảnh hưởng đến Việt Nam. Trên thực tế, ảnh hưởng là có thật: xuất khẩu ra thế giới ảnh hưởng, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm đi, các mối quan hệ (phe phái, địa chính trị) làm chúng ta bận tâm. 

Thứ hai, với các tác động bên trong, Việt Nam đang ở giai đoạn mà tất cả các nước phát triển từng xảy ra, trải qua. Đó là cuộc khủng hoảng những năm 1930 ở Châu Âu và nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra trên thế giới cách đây một thế kỷ, bây giờ đến lượt chúng ta và sau đó là Châu Phi. Trung Quốc đã có cải cách, chống tham nhũng đi trước chúng ta 20 năm. Chúng ta đang nhìn vào hình mẫu của Trung Quốc để đi theo. Những việc xảy ra ngày hôm nay, chúng ta phải nhìn nhận khách quan, đó chính là một phần của sự phát triển. Sự phát triển này đã có Châu Âu (Mỹ) hay Châu Á (Trung Quốc) là bài học gần nhất. Singapore, Hàn Quốc làm nhanh hơn và họ đã đi qua một nấc nữa. Vì vậy, giống như một người vào viện để đại phẫu, chúng ta phải đi từng bước. Đầu tiên phải đại phẫu cắt bỏ những ung nhọt để chữa bệnh của mình trước, sau đó từng bước phục hồi chức năng, hồi sức cấp cứu. Khoảng 3 – 5 năm, chúng ta trở lại mạnh khỏe hơn. Chúng ta đang nhìn thấy Chính phủ rất nỗ lực khi thành lập Ban Chỉ đạo để giải quyết ách tắc, vướng mắc. Đấy là cách “chữa bệnh”, “bệnh” của chúng ta đang mắc ở pháp lý, không phải luật rừng mà là rừng luật. Vì vậy, chúng ta nhìn tương lai lạc quan hơn và cần thời gian hồi phục cũng như định lượng tương lai cho công ty mình.

Đối với thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà cách đây 4 – 5 năm ở Mỹ, Trung Quốc và rất nhiều nước cũng trải qua quá trình như vậy. Tất cả điều này được nhìn nhận như một quá trình vận động, đương nhiên nó xảy ra nhưng mình có niềm tin rằng, có bao nhiêu phần trăm người Việt Nam tin rằng giá bất động sản sẽ giảm. Liệu rằng, chúng ta sống như thế đã rộng rãi chưa, bất động sản có thừa không để chúng ta nhìn nhận tương lai ngành bất động sản Việt Nam.

Alphanam đang làm rất nhiều việc và luôn luôn lựa chọn các biểu đồ, các hình sin để tăng tốc vào những lúc cần thiết và giảm tốc, thậm chí cắt bỏ những lúc hình sin đi xuống đáy. Chúng ta phục hồi trở lại khi hình sin đi lên.

Về bất động sản, theo đánh giá của cá nhân tôi, quy luật bao giờ cũng vậy, sau sự hưng phấn của thị trường bất động sản thì sẽ đến chứng khoán. Chứng khoán đi trước một bước vì đó là câu chuyện của niềm tin, khi niềm tin đến, thị trường chứng khoán lên, khi chứng khoán lên sẽ tạo ra thu nhập. Bản chất của thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn – tiền của nhiều người dồn vào một số ít người. Tiền không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi mà chuyển từ túi người nọ sang túi người kia. Như vậy, tiền sẽ chuyển từ túi của nhiều người vào một số người và một số các doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp có tiền, có tài chính, họ sẽ phát triển, kinh tế đi lên quay trở lại đầu tư vào bất động sản.

Tất cả chính sách bất động sản hiện nay của Chính phủ đang hỗ trợ mạnh mẽ từ pháp lý cho đến thủ tục để có tài chính cho bất động sản. Tôi đang nghĩ rằng, sự phục hồi của bất động sản đang quay trở lại rất nhanh. Ngày hôm qua còn lo lắng, liệu sự phục hồi quay trở lại nhanh quá thì mình có kịp hàng để bán hay không? Vì vậy, mình phải nỗ lực, tôi phải ngồi dậy mở bản vẽ ra xem để thúc đẩy A79 vẽ cho nhanh (cười).

Alphanam sẽ làm gì trong bối cảnh hiện nay và định hướng gì cho tương lai? Đầu tiên, với quan điểm của tôi, Alphanam đã lựa chọn bất động sản làm lĩnh vực trụ cột quan trọng trong một chặng đường dài tiếp theo. Với 10 năm, từ lúc quyết định bất động sản làm một trong các trụ cột phát triển (bất động sản, công nghiệp và đầu tư tài chính), chúng ta có được đội ngũ cán bộ về lĩnh vực bất động sản và vị trí trên thương trường. Đấy là giá trị được tích lũy trong 10 năm. Tự hào nói rằng, Alphanam nằm trong top các công ty bất động sản có uy tín, thương hiệu và tầm ảnh hưởng trên thị trường bất động sản Việt Nam. Như vậy, với sự trả giá trong 10 năm vừa qua, chúng ta đã gặt hái được những thành tích và chỗ đứng. Chỗ đứng mà chúng ta có niềm tin rằng, chúng ta đi tiếp lĩnh vực bất động sản thì tiếp tục nằm vào top cao hơn trong ngành bất động sản Việt Nam.

Chúng ta có niềm tin trở thành một trong những người, nhóm dẫn dắt thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới. Alphanam vẫn kiên định với lựa chọn của mình trong ngành bất động sản, trong đó, chúng ta tập trung vào phát triển đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp, các loại hình nhà ở xã hội và chung cư. Để làm bất động sản, đầu tiên, chúng ta làm chủ đầu tư. 

Trước đây, Alphanam vận hành theo cơ chế tập trung. Bây giờ, chúng ta đang từng bước tái cấu trúc để hoạt động theo nguyên tắc chuyên môn hóa. Ví dụ, các công ty chủ đầu tư tập trung làm chủ đầu tư nhưng làm từ a đến z của đúng vai chủ đầu tư, kiểm soát được hoàn toàn lợi nhuận từ khâu đầu đến khâu cuối.

Chúng ta chuyên môn hóa nhà thầu, làm cơ điện tập trung vào cơ điện, làm hạ tầng tập trung vào hạ tầng, xây dựng tập trung làm xây dựng. Theo đó, nhóm các công ty nhà thầu phấn đấu thành công ty quản lý xuất sắc ở lĩnh vực nhà thầu. Đến một ngày nào đó, nhóm các nhà thầu tập hợp nhau lại để trở thành một tập đoàn chuyên môn về nhà thầu, giống như các nhà thầu của Hàn Quốc, Trung Quốc. Chúng ta sẽ có một bộ máy hoàn chỉnh để làm tổng thầu những dự án lớn. 

Nhóm thứ ba phục vụ cho bất động sản là dịch vụ, bao gồm tất cả những hoạt động dịch vụ bất động sản, từ dịch vụ tư vấn, bán hàng đến quản lý vận hành. Về ngắn hạn, chúng ta còn khoảng 5 – 10 năm để phát triển các dự án khu đô thị lớn. Thời gian không còn nhiều để làm các khu đô thị quy mô vài trăm hecta, nên để có thể làm được những dự án hàng trăm hecta thì chúng ta phải tốc độ nhanh. Những dự án đó là “của để dành” để 10 năm, 20 năm tiếp theo chúng ta có nguồn.

Đến giai đoạn tiếp theo của Alphanam, khối dịch vụ sẽ phát triển khi chúng ta kinh doanh bất động sản trên nguyên lý không chỉ đầu tư về sự lên giá của bất động sản mà còn là kinh doanh dòng tiền trên bất động sản đó. Tức là chúng ta phải khai thác hai thứ cộng lại, đó là sự lên giá của bất động sản do sự khan hiếm của sản phẩm và khai thác dịch vụ trên bất động sản đó. Lúc này, lựa chọn vị trí và sản phẩm là quan trọng. Ngày hôm nay, ngành bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn là “xương”, lợi nhuận thấp nhưng 10 năm nữa sẽ khác. Tòa nhà văn phòng, khách sạn là vô cùng quý giá vì có dòng tiền. Dù rằng đến một ngày nào đó, Việt Nam giống như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… lợi nhuận được 3 – 5%, 7% là quá lý tưởng. Khi các cơ hội kiếm tiền không còn là “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, mà là “voi nhiều, của ít” thì 3 – 5% là quý rồi. Khi đấy, bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng lại là tài sản quý giá, câu chuyện sẽ khác, nên con đường chúng ta đi là lấy ngắn nuôi dài, có cái này có cái kia để chúng ta có tầm nhìn và kiên định để đi. Ví dụ, đối với bất động sản công nghiệp, nếu như 10 – 20 năm trước là gian nan, khó khăn và không có nhiều công ty thành danh, nhưng trong tương lai sẽ trở thành lĩnh vực quan trọng, nên ngày hôm nay, ai lấy được đất để làm là vô cùng quý giá. 

Cách đây 20 năm tôi sang Italia, giữa đất sản xuất công nghiệp tại thời điểm đấy là 700 euro/m2, đất công nghiệp và đất nhà ở đều là đất, mình làm gì trên đất đó thì đóng thuế khác nhau. Nhật Bản cũng tương tự. Ở Việt Nam khác, một ngày nào đó, đất công nghiệp với đất nhà ở gần như bằng nhau. Đấy là vấn đề Nhà nước muốn đẩy mạnh đất công nghiệp để thu tiền hàng năm vì đấy là nguồn thu rất lớn cho Nhà nước trong tương lai về thuế, giá sẽ lên. Bất động sản công nghiệp rất có tương lai vì tại thời điểm hiện nay. Đất công nghiệp đang còn rẻ, dĩ nhiên vẫn còn nhiều cơ hội khác, tuy nhiên chúng ta lựa chọn bất động sản công nghiệp để tiến là có lý do, nhưng chúng ta cũng cần lựa chọn những vị trí có tầm nhìn vĩ mô liên quan đến giao thông, nhân sự, ngành nghề và nhiều yếu tố khác. Lúc đấy, vị trí trong bất động sản càng ngày càng thấm thía chứ không phải tiền đổ vào đất ở đâu cũng ra tiền. Tỷ lệ tiền đổ vào đất chỉ chiếm 10%, còn 90% là “chết”, thế nên chúng ta cần phải tri thức hơn, kinh nghiệm hơn, từng trải hơn, chuyên nghiệp hơn trong nghề bất động sản thì chúng ta mới thành công được. 

Từ đó, dẫn tới việc, từng công ty của chúng ta phải là công ty chuyên nghiệp nhất. Là chủ đầu tư, chúng ta xây dựng một cấu trúc tổ chức, một công ty chủ đầu tư chuyên nghiệp. Là nhà thầu, chúng ta tiến tới xây dựng một nhà thầu có bản sắc, chuyên nghiệp và hiệu quả. Nhóm dịch vụ phải phấn đấu trở thành công ty có dịch vụ tốt nhất. Khi cấu trúc công ty muốn đạt đến điều đó, chúng ta cần thiết phải có những cá nhân xuất sắc.

Vậy lời giải để giải quyết khủng hoảng thế giới, khủng hoảng của Việt Nam và khó khăn của chúng ta thì mỗi một người Alphanam cần tốt hơn mỗi ngày.

Tổng Giám đốc Ngọc Mỹ: Xin cảm ơn những phân tích chuyên sâu của Chủ tịch về tình hình thị trường bất động sản và hướng đi của Alphanam thời gian tới.

Một câu hỏi của anh chị em đặt ra cho Tổng Giám đốc Minh Nhật: Nguồn cảm hứng từ đâu để giúp anh luôn xử lý công việc với tư duy tích cực, thậm chí là thong dong, mặc dù nhiều lúc đối mặt với tình huống khó? Anh hình dung Ý chí của người Alphanam trẻ như thế nào?

Tổng Giám đốc Minh Nhật: Tôi có một thói quen là luôn luôn đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Biết lúc nào phát huy điểm mạnh, biết lúc nào có thời gian để khắc phục dần điểm yếu và biết lúc nào không làm được thì phải đi học hỏi, nhờ trợ giúp của các chuyên gia. Tôi nghĩ một ngày có 24 tiếng, trừ thời gian ngủ để tái tạo sức lao động, thì vẫn cần thời gian cho bản thân, gia đình để có cuộc sống cân bằng. 

Quá trình tôi và Ngọc Mỹ lớn lên, Chủ tịch dành rất nhiều thời gian cho công việc. Nếu một ngày 24 tiếng thì Chủ tịch làm việc 18 tiếng, 6 tiếng còn lại là ngủ và gia đình. Nhưng cũng từ đó, bài học tôi rút ra được là thời gian ít nhưng Chủ tịch vẫn có cuộc sống gia đình cân bằng. Kết quả là tôi và Ngọc Mỹ lớn lên trong gia đình hạnh phúc và tôi có ước mong tiếp nối truyền thống văn hóa của gia đình.

Đối với cấp quản lý và cấp lãnh đạo Alphanam, tôi mong muốn chúng ta luôn luôn trau dồi kiến thức, tư duy học hỏi vì những điều chúng ta biết ngày hôm nay chưa chắc đã đủ, đúng. Đặc biệt, với cấp quản lý, thời gian làm việc, va chạm chưa thực sự nhiều nên chúng ta cởi mở, học hỏi sẽ có được nhiều kiến thức và sử dụng kiến thức để hoàn thành công việc. 

Tổng Giám đốc Ngọc Mỹ: Xin được hỏi Chủ tịch, Chủ tịch có thể chia sẻ những tấm gương, nhà lãnh đạo, nhà quản trị mà Chủ tịch quen biết, mặc dù họ đã rất thành công nhưng họ vẫn luôn không ngừng trau dồi kiến thức và làm việc chăm chỉ?

Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải: Nhiều lúc, tôi luôn nghĩ rằng mình thuộc người ham học hỏi, có ý chí và có thể trong mắt anh em Alphanam, tôi được gọi là một trong những hình mẫu rất quyết tâm trong việc học, vì Alphanam chỉ làm những gì mà tôi không biết. Những gì tôi không biết là tôi muốn làm. Đến lúc bắt đầu làm, tôi phải học rất nhiều để trở thành một người am hiểu sâu sắc.

Một tấm gương mà tôi rất khâm phục đó là anh Nghiêm Xuân Thành – Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nguyên là Chủ tịch ngân hàng Vietcombank. Cách đây gần một tháng, vào lúc 10h30 tối, chúng tôi nói chuyện một tiếng đồng hồ, anh ấy kể: anh ấy đang chạy và đi bộ một tiếng kết hợp nghe tiếng Anh. Cách đây gần một năm, Ban Chấp hành Trung ương đăng ký khóa đào tạo cán bộ cao cấp ở Úc cho đội ngũ Ủy viên Trung ương Đảng đi học. Có hai phần học: Tiếng Anh và tiếng Việt để cho mọi người đăng ký. Tất cả mọi người đăng ký tiếng Việt, riêng anh ấy đăng ký vào lớp tiếng Anh. Lúc đó, tiếng Anh của anh ấy trình độ tương đương bằng A, anh ấy muốn một lần để thử thách.

Từ đó, anh ấy áp dụng chế độ một tuần ba buổi tối (thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu), mỗi buổi 2 tiếng học online tiếng Anh một thầy một trò để luyện nghe, nói. Anh ấy thấy điều này rất hay khi cắt được ba bữa nhậu/tuần, tăng cường sức khỏe. Ban ngày, anh Thành luôn tốc ký những bài phát biểu, nội dung cuộc họp, Nghị quyết… bằng tiếng Anh để luyện viết. Trong vòng 6 tháng, anh đã giải quyết vấn đề tiếng Anh. Hiện tại, anh ấy nói chuyện với con học ở Úc bằng tiếng Anh rất tốt. Anh tự đánh giá năng lực mình tương đương với trình độ sinh viên năm tư đại học ngoại ngữ. 

Đó là một tấm gương cho thấy không có gì là không làm được mà tôi cực kỳ khâm phục.

Tổng Giám đốc Ngọc Mỹ: Vâng, vậy còn Tổng Giám đốc Minh Nhật, anh có tìm nguồn cảm hứng từ các doanh nghiệp, tập đoàn khác không?

Tổng Giám đốc Minh Nhật: Có một người và một tập đoàn mà tôi luôn luôn lấy đó làm tấm gương học hỏi, dõi theo và áp dụng. Đầu tiên là Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải, tôi nhìn thấy cách xử lý vấn đề, quản lý, vận hành nhiều doanh nghiệp một lúc trong bối cảnh xã hội Việt Nam. 

Thứ hai, tôi thích gia đình Waltons – chủ sở hữu của hệ thống Walmart, gia đình giàu nhất thế giới. Tôi khâm phục gia đình họ bởi họ chỉ có 30% tài sản đến từ Walmart, đa số tài sản còn lại đều đến từ các nguồn khác. Điều này cho tôi thấy, chia sẻ nguồn lực, rủi ro cũng là cách quan trọng để chúng ta duy trì doanh nghiệp, để khi xảy ra biến cố, chúng ta không mất hết hoặc doanh nghiệp này giúp cho doanh nghiệp kia. Từ đó nhìn nhận hướng đi cho Alphanam, tất nhiên chúng ta không thể làm trong một sớm một chiều, nhưng chúng ta có hiểu biết và kiến thức để từng bước thực hiện. 

Đến ngày hôm nay, chúng ta cũng nhìn thấy Alphanam đang tái cấu trúc để các công ty hoạt động một cách hiệu quả, độc lập, bài bản. Từng công ty một trở thành người dẫn đầu trong mảng kinh doanh của mình. Ví dụ, ALPEC và FUJIALPHA đang tiến đến trở thành công ty top đầu trên quốc tế về thang máy. Hay Alphanam E&C là nhà thầu top đầu làm việc với EVN. Alphanam làm rất nhiều ngành nghề và mỗi ngành nghề đều là người dẫn đầu.

Tổng Giám đốc Ngọc Mỹ: Xin cảm ơn chia sẻ từ Tổng Giám đốc Minh Nhật. Chúng ta đến với một câu hỏi thú vị dành cho Chủ tịch. Theo Chủ tịch, doanh số bán hàng đến từ niềm tin của khách hàng cho sản phẩm nhiều hơn hay niềm tin của bộ phận người kinh doanh đến với các sản phẩm họ bán nhiều hơn?

Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải: Bán hàng là một quá trình, để ra một sản phẩm thì người bán nguyên liệu phải có niềm tin vào sản phẩm của họ để cung ứng cho khâu sản xuất. Ví dụ, đối với nhà máy, tôi giả sử anh Duy, người bán hàng cho anh Duy phải có cái niềm tin về sản phẩm của họ để cung cấp cho anh Duy. Sau đó, anh Duy phải có một niềm tin sản phẩm của mình đáp ứng được nhu cầu, mục tiêu của người mua. Niềm tin của anh Duy cực kỳ quan trọng vì niềm tin đấy sẽ được truyền sang khách hàng của mình là FUJIALPHA. Niềm tin đó lại tiếp tục được chuyển từ nhà sản xuất sang đến khâu thương mại. 

Sau đó, Phú phải có niềm tin về Duy, nếu thắc mắc về chất lượng dịch vụ kém thì đầu nặng, chân không đi được. Vì vậy, anh em bán hàng mà không tự tin, không dám chào giá cao là hỏng rồi. Niềm tin phải được lan tỏa tới tất cả các thành viên tham gia vào quá trình bán hàng, từ đó dẫn đến câu chuyện khả năng diễn thuyết và khả năng thuyết phục.

Nói về kỹ năng thuyết phục, hôm nay, tôi tiết lộ thật với anh em là năm 1992, cách đây 31 năm, việc đầu tiên tôi làm là làm khách sạn, khóa học đầu tiên tôi học là kỹ năng diễn thuyết và kỹ năng trình bày.  

Tổng Giám đốc Ngọc Mỹ: Niềm tin rất quan trọng và kỹ năng thuyết phục là công cụ để hoàn thành công việc và đạt được kết quả mong muốn. 

Có một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng rất thực tế, đó là, chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn này như thế nào? Và ai là người giúp chúng ta vượt qua, thưa Tổng Giám đốc?

Tổng Giám đốc Minh Nhật: Chúng ta đã trải qua khó khăn này được đến 95% rồi nên quyết tâm cố gắng làm nốt 5% nữa sẽ qua. Trong một năm vừa qua, chúng ta tự lực, tự cố gắng, tự tìm ra con đường, giống như lạc vào rừng vầu, chúng ta sử dụng kiến thức, kiên định với định hướng và đặc biệt, có niềm tin vào người đứng đầu, có niềm tin vào nhau thì chắc chắn chúng ta ra được khỏi rừng vầu.

Tổng Giám đốc Ngọc Mỹ: Thưa Chủ tịch, ý chí, nghị lực của con người không tự nhiên sinh ra mà có, vậy từ đâu mà có và mỗi người cần làm gì để hoàn thiện bản thân và có nhiều niềm tin, ý chí hơn?

Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải: Ý chí không tự nhiên sinh ra mà nó được chuyển từ sự hèn nhát của người này sang sự nỗ lực vươn lên của người kia bằng nắm bắt cơ hội. Ý chí có 2 tình huống tạo nên: chân tường và cơ hội. Đa số người thành công đều từ khó khăn, từ chân tường mà tìm mọi cách thoát nghịch cảnh và vươn lên.

Bây giờ, hoàn cảnh Việt Nam không đến nỗi “chân tường” nên không còn phù hợp, “chân tường” ở đây là động lực, ý chí để vươn lên. 

Tôi không đặt Alphanam trong hoàn cảnh sau lưng là vực thẳm (giống những năm 1999, 2000), mà trong “nguy” có “cơ”. Chúng ta sẽ thấy một loạt các cơ hội, làm sao chúng ta về Hà Nam dễ như bây giờ? Làm sao chúng ta lấy được hàng loạt các dự án? Đó là cơ. Tại sao dường như các ngân hàng đóng cửa với các doanh nghiệp bất động sản mà chúng ta vẫn có các hợp đồng tín dụng. Đó là cơ. Đó cũng là quá trình nói thật, làm thật, đã tạo được niềm tin trong bối cảnh thị trường quá nhiều bất cập, bất ổn.

Chúng ta đang gặp khó khăn, nhưng trên thực tế, chúng ta khó khăn thì các doanh nghiệp bất động sản khác khó khăn hơn nhiều lần. Chúng ta đang có loạt cơ hội ngay trước mắt mà dường như ngưỡng vượt qua rất gần, tính bằng tuần, bằng tháng như Tổng Giám đốc Minh Nhật nhận định là chúng ta bước qua được 95% khó khăn rồi. Chúng ta đang bước đến giới hạn cuối cùng của việc vượt qua khó khăn.

Khi mà chúng ta nỗ lực thì chúng ta thấy chỗ nào cũng là cơ hội. Khi chúng ta coi thách thức là cơ hội thì chúng ta không còn nhìn thấy khó khăn. Khó khăn là “món ăn” hàng ngày, mỗi lúc vượt qua khó khăn thì chúng ta tự hào về bản thân. Tôi mong muốn, mỗi người Alphanam đều có thể tự hào nói rằng, mình làm được những điều mà chính mình nghĩ không làm được thì chúng ta sẽ vượt qua khó khăn hết sức nhẹ nhàng, đơn giản và không thấy khó khăn ở đâu.

Tổng Giám đốc Ngọc Mỹ: Xin cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải, Tổng Giám đốc Minh Nhật đã dành thời gian cho buổi tọa đàm ngày hôm nay. Hy vọng rằng, qua buổi tọa đàm này, Cán bộ Lãnh đạo và Cán bộ Quản lý sẽ nâng cao ý chí quyết tâm, sự bền bỉ, tinh thần vượt qua giới hạn bản thân, từ đó truyền cảm hứng tới toàn thể người Alphanam.

Nơi nào có ý chí, nơi đó chắc chắn có một lối đi, cùng nhau chúng ta đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn, cùng nhau “Quyết chiến, quyết thắng”.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin