“Chúng tôi tôn trọng sự nghiệp không phân biệt giới”- Alphanam là tập đoàn luôn có những chính sách nâng cao nhận thức của tất cả mọi người về bình đẳng trong phân công lao động, nói KHÔNG với tình trạng phân biệt đối xử về giới tại nơi làm việc, giúp toàn thể cán bộ nhân viên (CBNV) có một môi trường Công bằng – Hạnh phúc – Văn minh và đạt hiệu suất cao.
Trên hành trình phát triển và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Alphanam Group vinh dự nằm trong danh sách 50 công ty trên toàn thế giới đạt được chứng chỉ EDGE cấp MOVE cùng với các doanh nghiệp toàn cầu khác như UNICEF, European Central Bank hay L’Oreal. Chứng chỉ EDGE (Economic Dividends for Gender Equality) ra đời giúp xác định vị trí của doanh nghiệp trên thang đo về Bình đẳng giới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một trong những chứng chỉ uy tín và có giá trị nhất về Bình đẳng giới trên thế giới hiện nay.
Đồng thời, Alphanam Group là đơn vị thứ 10 của ASEAN, thứ 3 của Việt Nam và là doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản được công nhận những nỗ lực trong quá trình thực hiện Bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Với phương châm “Chúng tôi tôn trọng sự nghiệp không phân biệt giới”, Alphanam là doanh nghiệp luôn đề cao sự bình đẳng và công bằng trong môi trường làm việc, thể hiện rõ qua những con số cụ thể: Tỷ lệ nam giới và nữ giới trong lực lượng lao động nói chung và thuộc cấp lãnh đạo – quản lý nói riêng gần như ngang bằng nhau; chính sách tuyển dụng 100% công bằng với cả hai giới trong mọi ngành nghề, không có sự ưu tiên.
Từ năm 2021 đến nay, Alphanam không ngừng tổ chức các chương trình đào tạo liên quan đến Bình đẳng giới dành cho CBNV, CBQL để người Alphanam hiểu hơn, có góc nhìn sâu sắc hơn và áp dụng tốt hơn trong môi trường làm việc tại Alphanam. Trong chương trình đào tạo “Bình đẳng giới tại nơi làm việc” được tổ chức vào ngày 26/5/2023, đã đề cập đến hai nội dung của Bình đẳng giới gồm: Thiên kiến vô thức tại văn hóa doanh nghiệp và Văn hóa Đa dạng & Hòa nhập tại doanh nghiệp. Đây là hai nội dung nền tảng quan trọng trong việc xây dựng môi trường làm việc bình đẳng tại Alphanam.
THIÊN KIẾN VÔ THỨC TẠI VĂN HÓA DOANH NGHIỆP
• Định kiến: là những ý kiến đánh giá có trước về một vấn đề nào đó bởi quan điểm của cộng đồng nơi bạn sinh sống. Thường dùng từ định kiến để chỉ một kiểu thái độ sẵn có trước, mang tính tiêu cực.
• Thành kiến: là ý kiến, nhận xét cá nhân cố định về người hay vật, xuất phát từ cách nhìn sai lệch hoặc dựa trên cảm tính và thường xuyên có chiều hướng đánh giá thấp. Là những ý kiến do cá nhân mình hình thành nên, chứ không có sẵn trong cộng đồng.
• Thiên kiến: là ý kiến, suy nghĩ thiên lệch có phần thiếu khách quan về một quan điểm nào đó (có thể nghĩ xấu đi hoặc tốt lên về một sự việc/con người). Thiên kiến có thể đôi khi được coi là đồng nghĩa với định kiến hay là cố chấp. Thiên kiến là không sẵn lòng tiếp nhận những thông tin mới, đặc biệt khi thông tin mới không thuận theo quan điểm cũ.
• Thiên kiến vô thức: là những suy nghĩ thiên lệch mà chúng ta không hề nhận ra là chúng ta có.
6 LOẠI THIÊN KIẾN VÔ THỨC TẠI NƠI LÀM VIỆC
1. Thiên kiến vô thức về sự ưu ái
– Khi một người phụ nữ tỏ ra mạnh mẽ và quyết đoán, họ bị xem là “hách dịch”, “xấu tính”. Điều tương tự cũng xảy ra với người trẻ ở vị trí lãnh đạo.
– Các vị trí lãnh đạo cũng thường được kỳ vọng phải mạnh mẽ và quyết đoán nên nam giới thường được cân nhắc vào những vị trí này.
2. Thiên kiến vô thức về hiệu suất
Chúng ta thường có xu hướng:
– Đánh giá thấp kết quả làm việc của phụ nữ vì nghĩ họ chân yếu tay mềm.
– Đánh giá quá cao kết quả làm việc của nam giới vì khỏe mạnh cũng như đánh đồng sự cống hiến với sự năng động thể chất.
– Mặc định rằng “nam giới có tham vọng và nhiệt huyết” nên thường tuyển nam giới vì kỳ vọng vào tiềm năng của họ
3. Thiên kiến vô thức về thiên chức làm mẹ
Thiên kiến vô thức về thiên chức làm mẹ cho rằng người sắp làm mẹ hoặc đang có con nhỏ:
– Không cam kết lâu dài cho sự nghiệp
– Không đủ tập trung trong công việc
Bởi vậy những người phụ nữ đã có con thường được trao ít cơ hội và bị áp đặt những tiêu chuẩn cao hơn nam giới khi quay trở lại làm việc sau một kỳ nghỉ thai sản.
4. Thiên kiến vô thức quy kết
Thiên kiến quy kết có mối quan hệ chặt chẽ với thiên kiến hiệu suất.
Chúng ta có xu hướng giảm nhẹ sự phê bình với người vốn được đánh giá cao và khắt khe hơn với người vốn được đánh giá thấp. Khi phụ nữ bị đánh giá thấp hơn, họ lại tiếp tục dễ bị khiển trách và quy tội hơn. Ở chiều ngược lại nữ giới thường được đánh giá thấp bản thân và đòi hỏi ít hơn nam giới.
5. Thiên kiến vô thức tương đồng
Thiên kiến vô thức xuất hiện khi chúng ta bị thu hút bởi những người giống chúng ta hơn về ngoại hình, lai lịch, sở thích,… Trong khi đó, chúng ta lại tránh xa hoặc thậm chí ghét bỏ những người hoàn toàn khác mình.
6. Phân biệt đối xử kép
Thiên kiến không chỉ giới hạn về giới tính. Chúng ta có thể gặp phải những thiên kiến về chủng tộc, định hướng giới tính, khuyết tật hoặc những khía cạnh khác liên quan đến bản sắc cá nhân của họ. Khi có hơn một thiên kiến về một đối tượng, ta gọi đó là phân biệt đối xử kép.
VĂN HÓA ĐA DẠNG VÀ HÒA NHẬP TẠI DOANH NGHIỆP
Đa dạng: bao gồm tất cả những gì giống và khác nhau, không đưa ra một rào cản đối với bất kì tiêu chí nào.
Hòa nhập: là cảm giác thân thuộc, thuộc về và là một phần của tổ chức. Khái niệm về “Hòa nhập” là không chỉ chào đón sự đa dạng, khác biệt mà tổ chức còn tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được là chính mình, được thể hiện và đóng góp một phần cho sự phát triển chung của tập thể.
Lợi ích của nơi làm việc đa dạng và hòa nhập: cải thiện tinh thần làm việc, tăng năng suất và chất lượng công việc, khách hàng hài lòng, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tên tuổi của doanh nghiệp, thu hút & giữ chân nhân tài.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp chỉ có văn hóa “đa dạng” mà chưa có sự “hòa nhập” dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức như: giao tiếp khó khăn, khác biệt về văn hóa, phân biệt đối xử, thiếu đoàn kết. Qua đó dẫn đến những hậu quả gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường làm việc.
Một số nhân tố sẽ góp phần thúc đẩy Đa dạng và Hòa nhập tại doanh nghiệp: văn hóa doanh nghiệp, ưu tiên tầm mục tiêu chiến lược, xem D&I là mục tiêu kinh doanh quan trọng, trách nhiệm của lãnh đạo, mục tiêu dài hạn, tiếp cận qua lãnh đạo làm gương,…
Bình đẳng giới không chỉ là vấn đề chung của xã hội, mà là câu chuyện của mỗi doanh nghiệp, liên quan trực tiếp tới giá trị thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp. Alphanam vẫn đang đi trên con đường đưa Bình đẳng giới trong lao động việc làm thành hiện thực với phương châm “Sự nghiệp không phân biệt giới”. Hành động này rất cần sự ủng hộ và chung tay góp sức của các CBNV.
Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Mỹ từng nói: “Tôi cảm thấy doanh nghiệp tư nhân có thể làm nhiều hơn để thúc đẩy các sáng kiến vì mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt các vấn đề liên quan đến môi trường và Bình đẳng giới”. Alphanam chưa bao giờ đứng ngoài cuộc trong phong trào đấu tranh vì Bình đẳng giới, thể hiện ngay từ những điều nhỏ nhất!
Sau khi nhận được Chứng chỉ EDGE cấp MOVE, hành trình hội nhập tiêu chuẩn lao động quốc tế cùng Chứng chỉ EDGE của Alphanam Group vẫn nối dài và chưa bao giờ dừng lại. Chương trình đào tạo “Bình đẳng giới tại nơi làm việc” diễn ra tại Alphanam ngày 26/5 vừa qua là minh chứng nổi bật cho điều đó. Hành trình tôn vinh và trân trọng sự bình đẳng sẽ vẫn còn tiếp tục rất lâu về sau nữa để Alphanam đã, đang và sẽ luôn là một môi trường làm việc công bằng, hạnh phúc & văn minh. |