KPI là viết tắt của Key Performance Index hay còn gọi “chỉ số đánh giá thực hiện công việc”, là một thước đo hiệu quả công việc được sử dụng phổ biến trong các môi trường làm việc toàn cầu. KPI đã xuất hiện từ khá lâu và luôn luôn có mặt trong nhiều công ty, doanh nghiệp muốn chuyên nghiệp hóa hệ thống và định tính hóa năng suất, chất lượng và kết quả làm việc của nhân sự, phòng ban, bộ phận trong tập thể chung. KPI hiện nay là công cụ phổ biến nhất được sử dụng trong việc đánh giá hiệu quả làm việc trong các tổ chức và doanh nghiệp. Từ KPI, các doanh nghiệp và tổ chức có thể thực hiện việc đánh giá năng suất công việc của các nhân viên và đưa ra chế độ lương, thưởng phù hợp. Có thể hiểu KPI được coi như chỉ số để đánh giá và hiểu rõ hơn về một công ty, một đơn vị kinh doanh hay cá nhân đang thực hiện công việc tốt đến đâu so với các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
LỊCH SỬ CỦA KPI TRÊN THẾ GIỚI?
Nói về nguồn gốc sơ khai của KPI trên thế giới, có một câu chuyện thú vị khi các nhà kinh tế học cho rằng vào thế kỷ thứ 3, các vị hoàng đế của nhà Ngụy Trung Quốc đã khởi đầu cho khái niệm quản trị hiệu quả bằng việc đánh giá các thành viên hoàng tộc đã hành động như thế nào bằng các tiêu chí được đưa ra bởi hoàng đế. Những tiêu chí này sẽ được sử dụng để ra các quyết định xử phạt đối với các thành viên hoàng gia phạm lỗi. Đó là sơ khởi nhất của khái niệm KPI, còn trong thế giới hiện đại, khái niệm KPI chính thức được phát triển ở Hoa Kỳ những năm 1980, nhưng phải đến năm 1992, phương pháp này mới được áp dụng rộng rãi trong quản trị doanh nghiệp trên thế giới. Từ đó tới nay, KPI đã trải qua 3 thế hệ và có nhiều đổi mới. KPI đã trở thành công cụ quản trị chiến lược, sử dụng bản đồ chiến lược như một hệ thống các mục tiêu chiến lược có liên kết nhân-quả khi thiết kế, và hệ thống chỉ tiêu khi theo dõi đánh giá thực thi chiến lược.
Nếu như trước đây, KPI được coi là chỉ phù hợp với loại hình doanh nghiệp lớn, thì nay công cụ này không phân biệt quy mô, loại hình của công ty/tổ chức. Một tổ chức hay doanh nghiệp quan tâm đến xây dựng chiến lược, điều hành theo định hướng chiến lược và tăng cường hiệu quả sử dụng công cụ tài chính và phi tài chính của tổ chức mình là có thể ứng dụng KPI một cách hiệu quả.
LỢI ÍCH CỦA KPI KHI ÁP DỤNG TRONG DOANH NGHIỆP.
Đối với Quản lý:
KPI giúp quản lý hiểu rõ và đánh giá chính xác năng lực (điểm mạnh, điểm yếu) của nhân viên dưới quyền mình phụ trách.Từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn trong giao việc, giúp nâng cao kỹ năng quản lý, lãnh đạo KPI hỗ trợ người làm quản lý đạt được mục tiêu bằng cách: cụ thể hóa mục tiêu, đôn đốc thực hiện mục tiêu, đánh giá kết quả đạt được. Từ hiểu rõ năng lực của nhân viên, người quản lý sẽ xây dựng được chương trình đào tạo hợp lý, phát huy được những điểm mạnh và cải thiện điểm yếu của nhân viên. Điều này giúp cho phòng ban nói riêng và tập đoàn nói chung xây dựng được đội ngũ nhân sự hùng mạnh và chuyên nghiệp.
Đối với Nhân viên:
Tập đoàn sẽ sử dụng kết quả đánh giá KPI để xem xét tăng lương, thưởng cho cán bộ nhân viên vào cuối năm, đây sẽ là cơ hội nhân viên được đãi ngộ xứng đáng với năng lực và cống hiến của bản thân, đồng thời cũng thể hiện rõ sự công bằng giữa các thành viên trong Tập đoàn.. Điều này sẽ góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho cán bộ nhân viên (CBNV) trong công việc.
KPI cũng giúp cho nhân viên hiểu rõ những mong đợi của quản lý thông qua việc thể hiện rõ ràng kết quả mong đợi của người làm quản lý đối với các công việc giao cho nhân viên bằng con số cụ thể. Từ đó nhân viên sẽ biết được mình cần làm gì khi bước chân vào tập đoàn, hiểu rõ trách nhiệm của bản thân ở đâu và sẽ biết cách hoàn thành những chỉ tiêu được giao. Khi được đánh giá KPI, nhân viên cũng sẽ hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của cá nhân và có cơ hội được đào tạo phát triển bản thân.
KPI TẠI ALPHANAM
KPI của Alphanam Group đã được Tổng giám đốc Nguyễn Minh Nhật nung nấu triển khai từ rất lâu nhưng đến đầu năm 2018 mới được đưa vào tập đoàn. Trước đó anh Nhật đã triển khai rất thành công hệ thống KPI tại Kansai Paint. Với vô vàn những lợi ích của KPI, Tổng giám đốc Nguyễn Minh Nhật xác định đây sẽ là một bước tiến mới của Tập đoàn trên con đường phát triển bền vững.
Tuy nhiên, không giống như những tập đoàn khác, ban tổng giám đốc muốn KPI dần đi vào đời sống của cán bộ nhân viên (CBNV) một cách thân thuộc và tự nhiên nhất, không gò bó và áp lực. Đó là lý do năm 2018 Ban tổng giám đốc quyết định xây dựng KPI một lần vào đầu năm và đánh giá một lần vào cuối năm. Nhằm tạo điều kiện cho anh chị em CBNV làm quen, hiểu, biết cách làm KPI trước. Sau đó mới đến làm KPI thế nào cho đúng, đánh giá KPI thế nào cho chuẩn và thi hành chính sách nhân sự thế nào cho chính xác.