Tôi học được từ bà cách cảm nhận cuộc sống, hết mình với đam mê, học cách bao dung, khiêm nhường, cái cách bà luôn hướng con cháu tới một tấm lòng hướng thiện…
Tôi đứng trong bếp nấu bữa cơm chiều cho cả nhà. Chỗ tôi đứng nhìn chéo sang phòng mẹ. Bà ngồi cạnh cửa sổ, bên chiếc máy tính đã cũ.
Bà nghĩ ngợi gì đó rất lâu, bỏ mặc những tiếng ồn từ phố vọng vào. Thỉnh thoảng như giật mình bừng tỉnh, bà gõ những ngón tay gầy lên bàn phím. Màn hình bừng sáng, vài ký tự hiện lên qua tiếng lạch cạch, ánh mắt bà sáng lên, rồi lại mông lung tiếp tục chìm vào suy ngẫm…
Thời trẻ, bà là một giáo viên dạy văn hay có tiếng. Ngoài việc dạy học, bà đam mê viết bài, làm thơ gửi cho các báo. Mẹ tôi yêu văn, yêu viết, tình yêu đó không hề vơi đi sau khi bà nghỉ hưu mà ngược lại, theo thời gian, nó càng trở nên sâu đậm. Khi mẹ ngồi với những trang văn thì mọi thứ xung quanh dù ồn ào hay tĩnh lặng đều không thể nào tác động được đến bà.
Bà ra sống cùng vợ chồng tôi từ khi tôi sinh em bé. Lúc bọn trẻ còn nhỏ, mỗi lần bế cháu, bà thường ngâm nga những khúc hát ru từ những bài thơ bà tự sáng tác. Bài nào cũng hay và giàu cảm xúc, rung động đến sâu thẳm tâm hồn. Thời gian trôi qua, bên tiếng ru của bà, bọn trẻ dần khôn lớn. Bà có nhiều thời gian hơn để quay lại với niềm vui viết bài. Mỗi con chữ bà viết ra đều chứa đựng tâm huyết, tình cảm của bà. Tôi thấy đầu óc bà ít khi được thảnh thơi. Nhiều lúc, ngay cả trong bữa cơm, tôi tưởng như bà gắp món này món kia đều không chủ ý. Bà chỉ thực sự thoát ra khỏi trang viết khi hoàn thành một tác phẩm nào đó. Bà vươn vai đứng dậy khỏi chiếc ghế gỗ của mình, nhìn mọi thứ bằng con mắt lấp lánh như thiếu nữ đôi mươi. Bà ôm các cháu vào lòng thủ thỉ chuyện mầm cây vừa nở, bông hoa sắp tàn. Bà đi chợ gần hết buổi sáng, mua từ củ hành củ tỏi. Bà vào bếp với dưa cà mắm muối, món nào cũng dậy mùi hấp dẫn. Tôi thích ngắm bà vào những ngày như thế. Vui vẻ và hoạt bát, khác với những suy tư khi tác phẩm của bà còn đang dở dang.
– Mẹ ơi! Có phải chữ của bà có thể nở hoa?
– Còn có thể biến thành những đám mây, thành tiếng chim và con chuồn chuồn ớt nữa đấy con trai.
– Kỳ diệu thật mẹ nhỉ. Nhưng sao chữ của con lại không thể? Cô giáo nói đọc bài văn miêu tả của con khô như gạch ngói.
– Thế đã bao giờ con yêu những câu văn của mình chưa? Chưa đúng không nào? Mẹ nghĩ là con nên trò chuyện nhiều hơn cùng bà, con nhé!
Nhưng tụi nhỏ bị trận banh cuối ngõ phố cuốn đi. Chúng thường trở về nhà khi mồ hôi ướt đầm người và bữa tối đã chuẩn bị xong xuôi. Chúng nhai ngấu nghiến mọi thứ và quên khuấy bài văn miêu tả của mình…
Những lần mẹ có bài đăng trên báo giấy, tôi thường mua về nhà cho bà. Mẹ vui lắm, ngắm nghía từng con chữ. Bà không mang khoe người khác như các bác trong Hội người cao tuổi mỗi khi làm xong một bài thơ. Bà lặng lẽ đọc lại tác phẩm của mình, có khi rưng rưng, có khi tiếc nuối. Rồi bà xếp chúng lên giá sách, coi như đã hoàn thành xong trọn vẹn một tác phẩm. Bà tập hợp chúng lại để in thành cuốn sách của riêng mình.
Chồng tôi từng có lần hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, sách của mẹ rất hay, hay mình tổ chức ra mắt sách, rồi mình nhờ quảng bá, truyền thông…như các tác giả khác vẫn làm. Sách của mẹ sẽ được nhiều người biết đến hơn, mẹ sẽ vui hơn. Các nhà văn thường họ đi nhiều, giao lưu rộng. Mẹ ẩn mình như vậy liệu có buồn không?
– Văn chương vốn không ồn ào. Hoặc là mẹ thấy như thế thì hơn, con ạ.
Rồi mẹ lại cười bao dung…
Tôi thích trò chuyện với bà mỗi tối, đôi khi chỉ để bà chia sẻ những ý tưởng hay về câu chuyện mà bà sắp viết, hoặc về những mẩu thơ bà vừa mới nghĩ ra. Tôi là dân khối A, học ngành kỹ thuật, khô khan với những con số, những bản vẽ, những phép tính đòi hỏi độ chính xác cao. Vậy mà khi nào không hay, từ những lần trò chuyện cùng bà, lòng yêu văn chương, yêu những con chữ của bà đã ngấm sang tôi. Bà bảo, văn học là tinh hoa văn hóa của nhân loại. Văn chương chân chính dù bất kì thời đại nào cũng đều đề cao tình yêu thương, lòng nhân ái, sự công bằng, hướng thiện… Những người yêu văn là những người sở hữu một tâm hồn đẹp, con sẽ học được cách suy nghĩ, ứng xử, lối sống đúng đắn, lành mạnh. Con sẽ thấy rằng, thế giới này đẹp hơn biết bao nhiêu từ những điều nhỏ nhoi, giản dị nhất. Khi con viết, hãy viết bằng cảm xúc, sẽ chạm đến trái tim…
Sau một lần huyết áp lên cao, sức khỏe của bà yếu đi nhiều. Một nửa bên trái cơ thể của bà không còn linh hoạt và trí nhớ của bà cũng bị ảnh hưởng. Thói quen viết lách của bà phải tạm gác lại nhưng bà vẫn duy trì việc đọc hàng ngày, những cuốn sách tôi mua cho bà, hoặc bà đọc lại những tờ báo trước đây đã đăng các tác phẩm của bà mà bà nâng niu cất giữ. Bà bảo, mùi giấy khiến mẹ khỏe hơn, những ngôn từ đưa mẹ dễ dàng vào giấc ngủ…
Vâng, mẹ tôi đó. Tôi học được từ bà cách cảm nhận cuộc sống, hết mình với đam mê, học cách bao dung, khiêm nhường, cái cách bà luôn hướng con cháu tới một tấm lòng hướng thiện… Tôi thêm yêu văn, thích đọc, thích viết, dù công việc bận rộn nhưng tôi vẫn dành thời gian đọc sách mỗi ngày và viết khi có thể… Giờ đây, khi ngồi viết những dòng này, tôi lại thầm biết ơn mẹ, người đã truyền cảm hứng cho tôi. Người mẹ ấy không mang nặng đẻ đau, không sinh ra tôi, nhưng kể từ khi được là con của mẹ, tôi đã được hoàn thiện chính bản thân mình…
Cảm ơn mẹ, mẹ chồng của tôi…!
[totalpoll id=”6339″]