Người làm công tác nhân sự hẳn ai ai cũng mong muốn một điều rằng: “tuyển” xong thì “dụng” được, bởi đó chính là những đóng góp không hề nhỏ đôi khi có phần âm thầm lặng lẽ cho sự thành công của doanh nghiệp.
Người làm công tác tuyển dụng chính là cầu nối giữa các ứng viên với công ty, tìm kiếm và lựa chọn những người có năng lực về cống hiến cho doanh nghiệp của mình.
Trong khi người tìm việc thì thể hiện khả năng lao động, tri thức, kinh nghiệm , kỹ năng của mình nhằm thu hút nhiều nhà tuyển dụng để từ đó đưa ra quyết định đầu quân cho doanh nghiệp nào mà họ cảm thấy phù hợp nhất.
Hoạt động tuyển dụng chiếm tần suất nhiều trong công tác nhân sự khi tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tự nhiên do những lý do khách quan chiếm từ 1- 5 %. Mô hình chung, chuyên viên tuyển dụng phải luôn sẵn sàng với danh sách 25 người trong công ty có quy mô 500 người, ngay cả trong những ngày đẹp trời khi không có những biến động trong hoạt động sản xuất kinh doanh và mọi thành viên trong nội bộ doanh nghiệp đều đang cảm thấy vui vẻ, thoải mái! Người làm tuyển dụng phải có một kiến thức tổng quát không chỉ về cơ
cấu tổ chức, chuyên môn nhân sự mà thêm vào đó là sự am hiểu về các ngành và lĩnh vực liên quan, vì không ai khác chính họ là người tham gia trực tiếp vào việc bổ sung nguồn lực chất xám cho các phòng ban và cả công ty. Đặc biệt là với những doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành nghề thì việc này có thể khiến những người làm công tác tuyển dụng nao núng trước khối lượng kiến thức phải thâu nạp, lượng công việc dày đặc với các đề xuất tuyển dụng để phục vụ cho công tác tìm chọn ứng viên phù hợp nhất cho từng bộ phận.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, ngày nay phương thức ứng tuyển thủ công không còn được sử dụng nhiều như trong quá khứ khi ứng viên phải mang hồ sơ nộp trực tiếp tại địa chỉ của từng công ty để tham gia ứng tuyển. Do đó hiện tượng ứng viên sàng lọc nhà tuyển dụng cũng là một hoạt động diễn ra song hành và ngày một mạnh mẽ hơn, khiến cho bản thân người làm công tác tuyển dụng cũng rất bị động (ví dụ như: ứng viên đến trễ giờ, xin lùi lịch hoặc “bỏ bom” trong các lịch hẹn phỏng vấn…. ). Và có lẽ điều khiến nhà tuyển dụng buồn man mác xen lẫn tiếc nuối vẫn là những lần bỏ công sức phỏng vấn, đàm phán chế độ nhằm thuyết phục ứng viên đồng ý, thế nhưng đến ngày tiếp nhận công việc hoặc trong thời gian đầu thì ứng viên đã vội nói lời chia tay vì nhiều lý do khách quan hoặc chủ quan.
Mười năm trồng cây thì phải trăm năm trồng người, lợi ích và thành quả mà nghề nhân sự rất vô hình bởi hoạt động này không được thể hiện một cách trực tiếp và số hóa được như việc kinh doanh, sản xuất.