Với 1.000 cây bần ủng hộ cho chiến dịch trồng rừng tại Sóc Trăng, Alphanam Group đang từng bước khẳng định quyết tâm đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đã nằm trong định hướng của Tập đoàn nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
Alphanam Group chung tay gìn giữ tài nguyên rừng
Dự án mà Alphanam Green Foundation lựa chọn để đồng hành lần này có tên là “HẠNH PHÚC XANH”, được khởi xướng bởi Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống bền vững (Sống Foundation). Mục tiêu của dự án là huy động sự đóng góp từ xã hội để có nguồn kinh phí 500 triệu đồng cho kế hoạch trồng 10.000 cây bần trong tháng 9/2019 tại khu tái định cư An Thạnh Nam, tỉnh Sóc Trăng. Đây là khu vực chịu nhiều tác động của hiện tượng sạt lở, xói mòn khiến chất lượng đất canh tác không ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Bên cạnh mục đích chính là chống sạt lở tại vùng giáp cửa biển và tăng diện tích rừng ngập mặn (rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng đặc dụng) nhằm bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, việc trồng thêm 10.000 cây bần cho khu vực này còn giúp tăng cơ hội phát triển sinh kế từ rừng: thu hoạch quả bần, nuôi trồng thủy sản,…
Đồng hành cùng dự án, Alphanam Green Foundation, đại diện cho Alphanam Group, mong muốn có thể cải thiện đời sống của người dân Sóc Trăng cũng như là đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng dân cư tại đây. Đây cũng là một phần cam kết thực hiện 17 SDG mà Liên Hợp Quốc đã đề ra, mà các doanh nghiệp là đối tượng chính được kêu gọi hưởng ứng. Cụ thể ở đây là SDG số 15, trong đó có phần: “…quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học”
Trồng rừng – tạo lá chắn xanh chống lại biến đổi khí hậu
Nhiều ngày qua, chúng ta không khỏi xót xa trước những hình ảnh, thông tin về vụ cháy rừng kinh hoàng tại Amazon được chia sẻ ngập tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một quang cảnh đau thương đến nhói lòng khi chứng kiến “lá phổi xanh” của hành tinh chìm trong biển lửa, mà chính một trong những quốc gia sở hữu phần lớn lãnh thổ của rừng mưa lớn nhất thế giới – Brazil – cũng khẳng định không đủ nguồn lực để dập tắt đám cháy. Và hậu quả nó để lại sẽ cực kỳ khủng khiếp: sự mất cân bằng sinh thái khi hàng triệu loài động vật sẽ bị tuyệt chủng, thải ra lượng khí CO2 khổng lồ khiến cho khí hậu Trái Đất tăng lên từ 1,5 – 2 độ C, giảm khả năng hấp thụ nhiệt cũng như là lượng khí Oxy cung cấp cho toàn hành tinh,…
Chính trong những thời điểm như thế này, người ta mới nhận thức được tầm quan trọng của rừng đối với công cuộc chống lại biến đổi khí hậu. Và với diện tích rừng bị mất trong thảm họa kể trên có thể lên đến hơn 20%, chỉ có sự chung tay của cộng đồng để trồng thêm thật nhiều rừng mới có thể giúp điều hòa lại khí hậu, chữa lành cho lá phổi của Trái Đất. Chính vì vậy, những dự án như Hạnh Phúc Xanh được triển khai là điều rất đáng hoan nghênh, vì tính thiết thực cũng như cấp bách của nó trong thời điểm này.
Hi vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn những dự án, chiến dịch trồng cây gây rừng như vậy để giúp phần nào hàn gắn những vết thương mà chúng ta đã gây ra cho Trái Đất. Không chỉ thế, mọi người cần tiếp tục chung tay cùng hành động, chỉ cần bằng những nghĩa cử đơn giản như trồng thêm một cái cây, bớt sử dụng năng lượng và lãng phí tài nguyên, chúng ta cũng đã có thể kéo dài thêm tuổi thọ của hành tinh tươi đẹp này cho thế hệ tiếp theo.