SÁCH “DÁM HẠNH PHÚC” VÀ THÔNG ĐIỆP “HÃY CHỌN MỘT CUỘC ĐỜI YÊU THƯƠNG”

Dựa trên nền tảng lý thuyết của tâm lý học Adler, tâm lý học hành động, “Dám hạnh phúc” của hai tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake là cuộc đối thoại của một chàng thanh niên với người triết gia để tìm ra bản chất của hạnh phúc và làm thế nào để có được hạnh phúc, khi chàng thanh niên đang đứng trước ngưỡng cửa của ngờ vực, thất bại.

“Dám hạnh phúc” tức là loại bỏ tâm lý “người khác xấu xa, ta tội nghiệp”, “phủ định thưởng phạt” trong giáo dục, con người phải đi “từ nguyên lý cạnh tranh đến nguyên lý hợp tác”, người ta cần “cho đi, nếu không sẽ không được nhận lại”, và cuối cùng, “dám hạnh phúc” cũng là “dám tôn trọng”, dám “chọn cuộc đời yêu thương”.

Là một cuốn sách đề cập tới tâm lý học ứng dụng, nói về những vấn đề liên quan đến thay đổi bản thân, thay đổi tư duy nhưng không hề khô khan, cũng chẳng hề đi vào con đường sáo mòn, hô hào lý thuyết suông. Bởi những tuyên ngôn, mỗi lời khuyên trong “Dám hạnh phúc” được xây dựng trên nền tảng tâm lý học Adler, qua hình thức trao đổi qua lại với từng ví dụ, dẫn chứng qua trải nghiệm cụ thể giữa hai con người đều có học thức, địa vị. Vì thế, “Dám hạnh phúc” thật sự là cuộc tranh luận để hoàn thiện “Dám bị ghét”, hay rộng hơn, là hoàn thiện một con người dám thay đổi, dám tiến lên nắm lấy hạnh phúc cho riêng mình.

“Dám hạnh phúc” là phần tiếp theo của cuốn sách nổi tiếng trước đó “Dám bị ghét”, cả hai ấn phẩm này đều bắt nguồn từ trường phái tâm lý học Alfred Adler để diễn giải các quan điểm. Tuy nhiên, “Dám hạnh phúc” lại bàn sâu hơn về lòng can đảm “làm thế nào để có được hạnh phúc”, về mối quan hệ giữa tình yêu, sự tự lập và lựa chọn lớn nhất của cuộc đời.

“Ai cũng có thể hạnh phúc ngay từ giây phút này” nhưng “chúng ta không thể hưởng thụ hạnh phúc nếu chỉ đứng yên tại chỗ. Cần phải tiếp tục tiến bước trên con đường mình đã đặt chân lên.” Dám hạnh phúc, tưởng là những kiến thức xa vời mà cuối cùng, cuốn sách ấy đưa tới cho người đọc những giá trị nhân sinh gần gũi, giản dị, có lẽ ai cũng biết nhưng giữa bộn bề cuộc sống, có thể người ta đã xem nhẹ hay lỡ lãng quên.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin