1 NĂM SAU DỊCH COVID-19, THẾ GIỚI ĐÃ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng nhận định: “Đại dịch COVID-19 sẽ làm thay đổi trật tự thế giới”. Để “sống chung” với đại dịch, cuộc sống đã thay đổi một cách đáng kinh ngạc khi rất nhiều những giá trị và lối sống buộc phải nhường chỗ cho các biện pháp chống dịch. Đồng thời, Chính phủ và người dân khắp thế giới phải cùng nhau tạo ra những tiêu chuẩn hoạt động – làm việc hoàn toàn mới để thích nghi.

“Trạng thái bình thường mới”

2020 có thể xem là một năm đầy biến động của thế kỷ 21, khi cả thế giới đối mặt với đại dịch SARS-CoV2, hay thường được nhắc đến với cái tên “COVID-19”. Ngày 11 tháng 03 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới WHO chính thức tuyên bố COVID-19 – chủng virus gây suy hô hấp cấp nghiêm trọng – là một đại dịch toàn cầu.

Giao thông quốc tế gần như tê liệt. Một số nước thắt chặt chính sách đóng cửa biên giới để bảo đảm hoạt động kinh tế – xã hội quốc nội tiếp tục được diễn ra, bởi vậy giao thông quốc tế hầu như bị hạn chế tối đa. Một số nước trên thế giới vẫn mở cửa đón tiếp giao thông quốc tế, tuy nhiên các hoạt động xuất – nhập cảnh vẫn được giám sát rất chặt chẽ.

Dựa theo bản đồ các nước mở – đóng cửa giao thông quốc tế của website kayak.com, có thể thấy có đến 49 quốc gia đã chọn cách đóng cửa biên giới, trong đó có Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia…

Bên cạnh đó, work-from-home đã thay đổi hoàn toàn cách mà các văn phòng được vận hành trên toàn thế giới. Công sở và những giá trị truyền thống của môi trường làm việc này dường như đã không còn đúng dành cho một thế giới mà mọi người phải giao tiếp cách nhau ít nhất 2m và thông qua lớp khẩu trang.

“Giao tiếp không giao tiếp” từ một khái niệm viễn tưởng, tiên phong cho thời đại số hoá, trở thành một điều thiết yếu. Khi việc thoải mái gặp gỡ, bắt tay ở nơi công cộng trở thành một cách không thể dễ dàng hơn để virus lây truyền, “giao tiếp không giao tiếp” trở thành phương tiện thiết yếu để duy trì sự liên kết. Những buổi hội thảo và sự kiện trực tuyến, những cuộc gọi xuyên quốc gia thông qua màn hình vi tính được thực hiện.

Vào ngày 23/03/2020, số liệu thống kê của Facebook cho thấy số lượng người dùng và cuộc gọi thông qua ứng dụng Facebook Messenger của hãng tăng 70% mỗi tuần. Vào ngày 07/04/2020, tờ The New York Times thống kê rằng lượt sử dụng nhóm trò chuyện video thông qua nền tảng Houseparty tăng 79% so với đầu tháng 3.

Việt Nam và một kịch bản “không kịch bản”

Có thể nói Việt Nam là một trong những nước, tính đến thời điểm hiện tại, thực hiện tốt nhất công tác phòng chống – ngăn ngừa dịch COVID-19. Bằng chứng là ngoài việc giao thông quốc tế hoàn toàn được kiểm soát và hạn chế, các hoạt động kinh tế – xã hội khác vẫn diễn ra gần như bình thường. Dù trải qua hai lần buộc phải cách ly xã hội, Việt Nam vẫn đang là nước có chỉ số tăng trưởng kinh tế nhiều triển vọng.

Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam vận hành với một tình thế “không kịch bản”. Trong một thời đại mà mọi giá trị xã hội đều hoàn toàn khác biệt, không một án lệ nào đủ thuyết phục để được noi theo, mỗi đất nước đều phải tự có kịch bản của riêng mình.

May mắn thay, với các biện pháp cách ly – phòng chống dịch triệt để và ráo riết, cùng sự đồng lòng của Chính phủ và người dân Việt Nam cũng như ý thức tuân thủ lợi ích cộng đồng, Việt Nam đang lan truyền một ngọn lửa lòng tin đầy phấn khởi đến nhân dân toàn thế giới rằng chúng ta nhất định sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch và khôi phục hoạt động kinh tế – xã hội toàn cầu trong một ngày không xa.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin