MỘT DOANH NHÂN

Thưa Tổng giám đốc, nếu có một wordcloud để chính chị nói về mình – về doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ, chị nghĩ rằng 3 tính từ nào sẽ xuất hiện nhiều nhất?

Tôi chọn Nỗ lực, Cầu toàn, và Năng lượng.

Tôi nghĩ rằng “nỗ lực” là điều tôi cảm nhận rõ nhất về bản thân mình. Giống như sứ mệnh của Alphanam “luôn phấn đấu để trở thành người đứng đầu trong lĩnh vực của mình”, tôi luôn nghĩ làm thế nào để hoàn thiện bản thân hơn, trở thành một người tốt hơn. Nhưng tôi cũng chấp nhận rằng cuộc sống vốn không hoàn hảo, chính tôi cũng không hoàn hảo. Tôi cố gắng nhưng tôi thấy vui về sự cố gắng đó, chứ tôi không tạo ra áp lực, phải chuẩn chỉnh. Đó là lý do tại sao “nỗ lực” là một động từ để nói về tôi của trước đây, của hiện tại và của tương lai. 

Tôi là người “cầu toàn”, hướng tới sự hoàn hảo, bởi vậy tôi luôn cố gắng tìm ra công thức làm thế nào để chuyên nghiệp hơn trong tất cả mọi thứ. Nếu chỉ có nỗ lực thì không đủ, cần có lộ trình từng bước một để tôi biết mình đang đi đến đâu, và bước tiếp theo sẽ cần làm gì. Nếu “nỗ lực” là một động từ, thì từ này lại được dùng với ý nghĩa như một “chỉ dẫn cách đi”. 

Nếu như nỗ lực là sự chuyển động, sự cầu toàn đưa đến lộ trình, thì năng lượng là nguyên liệu mà tôi hướng tới. Giống như chúng ta phải đổ thêm xăng thì động cơ mới có thể chạy được, tôi luôn tìm cách tiếp thêm năng lượng cho chính mình để tạo tiền đề cho tất cả hành động còn lại. Tôi cũng là người biết kiểm soát năng lượng, điển hình là sắp xếp thời gian một cách hợp lý để chủ động nguồn năng lượng của mình cho những lịch trình bận rộn và chặng đường sắp tới.

Chị có nghĩ sự cầu toàn này có thể gây ra áp lực không nhỏ cho bản thân? Với một doanh nhân trẻ và mang trên mình những trọng trách rất lớn, chị đã giải quyết những áp lực phải đối mặt như thế nào?

Có lẽ nên chọn cho mình những việc mình cần cầu toàn, và kết nối được với câu hỏi tại sao. Không nên cầu toàn ở quá nhiều hay tất cả mọi việc. 

Tôi là một người làm mọi thứ hết mình, và khi xong việc tôi thả lỏng để suy nghĩ và bắt đầu những việc khác. Tôi nghĩ sự tập trung này cho mình chiều sâu, nhưng cần tự chủ để không bị cuốn vào nó. Khi quá phụ thuộc vào cái gì, tôi thường thay đổi thói quen để tiếp cận ở những góc độ khác. Ví dụ, tôi là một người rất thích cafe, nhưng nếu hôm nay tôi cảm thấy mình quá bị phụ thuộc, cần đến nó, thì tôi sẽ cắt cafe một thời gian để cơ thể tự cân bằng, để tôi nhìn cafe bằng “một con mắt khác”. Tôi nghĩ cầu toàn không phải là chúng ta luôn chạy theo chỉ một thước đo, mà hướng tới việc cân nhắc được nhiều khía cạnh khác nhau của cùng một việc. Khi luôn đổi mới cách nhìn, với tâm thế học hỏi, chúng ta sẽ không thấy áp lực mà thêm vào đó là sự hứng thú bởi các tiêu chuẩn trong cuộc sống không ngừng thay đổi.

Tôi coi áp lực như điều kiện cần và đủ cho cuộc sống. Mỗi chúng ta sinh ra, biết cách vượt qua áp lực chính là để trưởng thành. Tôi nghĩ đến độ tuổi này, nếu có áp lực hay khó khăn thì tôi chỉ cảm thấy biết ơn vì ít nhất cuộc đời đang cho tôi cơ hội để phát triển. Vượt qua được áp lực, tôi sẽ tốt lên. Nếu không có cơ hội để phát triển thì tôi sẽ chỉ dẫm chân tại chỗ và không được sống hết mình. 

Mỗi khi stress, tôi chọn đọc một cuốn sách. Có một câu tôi thấy rất đúng và khá tâm đắc, đó là “Khi học trò sẵn sàng, thầy sẽ xuất hiện”. Đôi lúc cứ thả lỏng một chút, đừng gồng quá thì tự nhiên hành vi sẽ được dẫn lối đến đúng điều mình cần.

Tôi có tư duy mình cần luôn thay đổi, làm mới mình. Tôi sẽ rất vui nếu có nhận xét rằng “hôm nay gặp thấy một Mỹ hơi khác”. Đâu đó thì Mỹ vẫn là Mỹ, nhưng cuộc sống nhiều góc cạnh và mỗi lần gặp tôi có thể mang lại sự ngạc nhiên cho người khác. Cái quan trọng là giá trị về công việc không đổi, thì cá nhân mình tại sao lại không đổi mới? Đó là lý do tôi cảm thấy mình rất hợp với ngành du lịch, vì ngành này luôn phải tạo ra những trải nghiệm “tươi mới” liên tục. Tôi cảm thấy để trở thành một người có uy tín và dẫn dắt cảm xúc tốt trong ngành du lịch, tôi luôn phải có tư duy gây ngạc nhiên trong những trải nghiệm dành tặng khách hàng.

Ở những bước chân đầu tiên trên hành trình trở thành một người kế nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải và cho đến bây giờ, chị cảm thấy tự hào nhất về điều gì với quãng thời gian đã qua? 

Không biết mọi người có tin không, nhưng tôi luôn cảm thấy vui và tự hào khi những người xung quanh mình đạt được thành tích, khi nỗ lực của họ được đền đáp – đó là những niềm vui có thể xảy ra hàng ngày, khi chúng ta làm việc một cách hăng say và hiệu quả. Nói chung, tôi thường tự hào về những người xung quanh mình! 

Để nói về bản thân mình, tôi không thấy tự hào về điều gì cụ thể, vì mọi trải nghiệm đã qua đối với tôi như những câu chuyện còn tiếp nối, cái khó của ngày hôm qua là cái dễ của ngày hôm nay, cái dễ của ngày hôm nay có thể là cái khó của ngày mai. Tôi luôn tâm niệm rằng mình luôn nỗ lực trở thành một phiên bản tốt hơn của ngày hôm qua. Nếu đến hiện tại, tôi vẫn phải dùng những giải thưởng để nói về mình, chứng tỏ những năm vừa qua tôi chẳng làm được cái gì hay. Trong công việc cũng vậy, nếu hôm nay nói về sự “tự hào” mà tôi vẫn phải kể lại câu chuyện của một năm về trước, chứng tỏ năm vừa qua tôi chẳng làm được điều gì có giá trị. Tôi là người luôn hướng về tương lai (cười).

Sự khác biệt tạo nên thành công. Sự khác biệt tạo nên giá trị. Và sự khác biệt của doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ là gì so với những thế hệ đi trước của Alphanam, thưa Tổng giám đốc? 

Tôi may mắn có được sự hỗ trợ của nhiều người xung quanh mình, cho tôi cơ hội để làm và trải nghiệm nhiều thứ. Vì vậy, cuộc sống của tôi có những mảnh ghép khác nhau. Tôi đánh giá điểm khác biệt của mình là biết ở những đâu tôi là “generalist” và nơi nào mình cần là “specialist”. Generalist là một sự “bao phủ”, nhưng để bứt phá lên thì phải thật sự giỏi. Tôi muốn trở thành một chuyên gia (Specialist) trong lĩnh vực mà tôi quản lý. Rất nhiều người nghĩ rằng lãnh đạo thì chỉ cần là một “generalist”, mỗi thứ chỉ cần biết một chút. Nhưng Chủ tịch luôn nhắc nhở tôi rằng phải rất chi tiết, nếu muốn tạo ra sự khác biệt so với những người khác thì không có cách nào khác là phải “kỹ”, và để hiểu kỹ được thì phải trở thành một chuyên gia. 

Tôi chọn làm specialist những công việc mà mình đam mê. Một khi đã chọn theo đuổi thì phải phấn đấu để giỏi trong lĩnh vực đó. Đam mê không tạo ra thành công, nhưng khi đam mê với điều gì, bạn sẽ làm việc không mệt mỏi, cũng sẽ sống hết mình, và điều đó có thể sẽ tạo nên thành công.

Chị từng chia sẻ, điểm mạnh của chị là biết nhìn ra ưu điểm và khuyết điểm của người khác. Liệu đó có phải một sự khác biệt của chị? 

Đó là một điểm mạnh của tôi, tôi tin mỗi người đều có khả năng ấy nên tôi không biết sẽ khác đến đâu. Ai cũng có khả năng đánh giá được người đối diện, nhưng đối với tôi thì tôi cảm nhận điều đó khá sâu sắc. Và đặc biệt tôi nhìn cuộc sống của người khác giống như những mảnh ghép, khi tôi giao tiếp với một ai đó thì tôi cảm nhận tất cả mảnh ghép ấy đang nằm ở đâu và ghép với nhau như thế nào. Đó cũng là lý do tại sao ngoài công việc ra thì có nhiều người thích nói chuyện với tôi, cũng có người sợ nói chuyện với tôi vì tôi sẽ nhận ra được những mảnh ghép còn thiếu ở họ.

Các học sinh nhận được học bổng do Tổng giám đốc Ngọc Mỹ tài trợ

Liệu khả năng đặc biệt này có phải là một đặc điểm tạo nên phẩm chất của một quản lý, một doanh nhân, một CEO Nguyễn Ngọc Mỹ của hiện tại?

Doanh nghiệp hay bất kỳ một tổ chức nào, ở mỗi vị trí khác nhau cần nhân sự có những kỹ năng và điểm mạnh khác nhau. Ví dụ trong bóng đá hay bóng bầu dục, có những vị trí cần người to khỏe, nhưng có vị trí lại cần người nhanh và có kỹ thuật tốt. Cũng giống như một huấn luyện viên, người lãnh đạo sẽ tổ chức và bố trí nhân sự, đồng thời biết cách động viên, truyền lửa cho cán bộ nhân viên (CBNV) qua việc nâng cao tinh thần, dạy cho họ kỹ thuật và nắm được họ có điểm mạnh, điểm yếu gì để hỗ trợ. Nhưng cuối cùng, khi ra sân họ chơi như thế nào thì lại phụ thuộc vào bản thân họ. Quan trọng nhất không phải là đào tạo để từng người chơi tốt, mà làm thế nào để xây dựng được một team tốt. Đặc biệt, trong ngành khách sạn là một ngành rất đông nhân viên, thế nên việc đó lại càng quan trọng. 

Tổng giám đốc Minh Nhật tự hào nói về năm 2020 của Alphanam, với vô vàn thách thức nhưng “thực tế tại Alphanam không giảm một chỉ số nào”. Năm 2021 những thách thức thậm chí còn lớn hơn nhưng Alphanam vẫn đang đứng vững. Thành quả đó không thể không kể đến vai trò của những người lãnh đạo – “đầu tàu” của Alphanam. Thưa Tổng giám đốc, chị đã lan tỏa năng lượng tích cực cho tinh thần của người Alphanam như thế nào?

Nhìn lại khoảng thời gian hai năm vừa qua, tôi luôn nhớ đến thời điểm tôi nói chuyện với các cán bộ nhân viên trong thời điểm khó khăn nhất – lần đầu tiên khách sạn phải đóng cửa. Cảm xúc lúc ấy là phải bắt đầu sắp xếp lại nhân sự để chuẩn bị cho một trận chiến dài hơn, và khi đó tôi không phải là người tích cực nhất hay có nhiều năng lượng nhất. 

Thời điểm đó, Alphanam có tổ chức một buổi tọa đàm, lấy chủ đề “Tồn tại và phát triển trong thời kỳ Covid-19” với sự tham gia của tiến sĩ kinh tế Võ Trí Thành. Tôi có mặt ở tọa đàm đó trên cương vị moderator để chia sẻ, thảo luận về câu chuyện khủng hoảng. Bác Võ Trí Thành kể về câu chuyện chiến tranh, về câu chuyện những người ở thời của bác đã lớn lên như thế nào với tinh thần “càng khổ càng lạc quan”, và tôi nhận ra những điều hiện tại chưa là gì so với những điều người khác đã trải qua. Vượt qua nỗi sợ, chúng ta sẽ đến một giai đoạn gọi là “đối mặt”. Để đối mặt được thì chúng ta phải ở một tâm thế bình tĩnh hơn, biết nhìn xa hơn.

Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải, Tổng giám đốc Minh Nhật và Tổng giám đốc Ngọc Mỹ cùng Tiến sĩ Võ Trí Thành
tại toạ đàm “Tồn tại và phát triển trong thời kỳ Covid-19”

Có một thời điểm, tôi đã phải lắng lại, không tham dự bất cứ một tọa đàm nào, không phát biểu, cũng không viết gì lên facebook để tìm câu trả lời cho câu hỏi “Vậy trong xã hội điều gì đang xảy ra?”. Lần đầu tiên, không có bức tranh cụ thể để chúng ta học hỏi được ở nước khác. Ngành du lịch trước đây thường được so sánh với những đất nước như Thái Lan hay Trung Quốc, nhưng quãng thời gian Covid là lúc mọi thứ như được “cài đặt” lại, tôi chưa thể hình dung được ở quãng thời gian sắp tới Việt Nam sẽ như thế nào. Đây là giai đoạn cần phải bình tĩnh để đối mặt, để rồi kết nối với chính mình, với những người trong ngành, với CBNV, lắng nghe tín hiệu dù là nhỏ nhất của thị trường.

Sau khi tôi hiểu mình đang đối mặt với một giai đoạn như thế nào, thì cũng là lúc tôi cần phải giúp mọi người “làm mới” tư duy, bình tĩnh để nhìn được xa hơn và xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm vượt qua khoảng thời gian này. Gần đây, tôi nghe được một câu nói rất hay, rằng “áp lực chỉ đến khi mình biết mình có thể làm được một cái gì đó nhưng mình không làm”. Muốn không stress thì nên làm, hoặc nên biết cái gì không làm được. Tôi thấy điều này đúng, bởi vậy cần có sự chuẩn bị và phương án cho mọi tình huống, kể cả có phải đóng cửa khách sạn thì vẫn luôn phải ở trong tâm thế chủ động, không chờ đợi thị trường.

Năm qua thực sự là một năm rất khó khăn với ngành khách sạn, ở vị trí của tôi, tôi nghĩ điều quan trọng nhất tôi có thể làm cho toàn thể CBNV khối khách sạn là giữ tinh thần lạc quan, và làm việc hết sức mình để đảm bảo cho tương lai của họ. 

Mỗi khi CBNV ở xa nói chuyện với tôi, họ chân thành quan tâm hỏi thăm “gia đình Chủ tịch có khoẻ không”. Ngược lại, tôi mừng vì họ vẫn khỏe. Chỉ hành động đơn giản vậy thôi nhưng mỗi người đã trở thành “pháo đài” để giữ nhịp cho những người xung quanh. Tôi không nói chuyện được hết với hàng trăm CBNV, nhưng thật may mắn vì có những người trong Khối Khách sạn vẫn đang giữ lửa và chia sẻ với cộng sự rằng: “Đừng lo, Alphanam là nhà, Alphanam sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ cho tương lai và lộ trình công việc của các bạn”. Tôi nghĩ điều này đã được xây dựng từ trước khi Covid xuất hiện, bởi nếu nền tảng văn hóa Alphanam không vững thì chúng ta sẽ không làm được những gì mà Alphanam đã làm. 

Công việc của tôi thật dễ, năng lượng tích cực được lan toả một cách tự nhiên từ nền tảng văn hoá gia đình. Tôi cảm thấy vui khi có những hoạt động chung của Alphanam vẫn được duy trì và tạo nên dấu ấn. Khi mọi người đều có niềm tin về một con thuyền chung, điều đó có thể tạo ra những tư duy mà nhiều doanh nghiệp khác cần “đào tạo” mới có được.

Chị có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về một thế hệ mà Alphanam đang hướng đến của hiện tại và tương lai?

Tôi mong muốn càng ngày, người Alphanam sẽ càng có thói quen phản biện tích cực. Phản biện để giúp sản phẩm của mình, của mọi người tốt hơn, đặt ra câu hỏi hay, câu hỏi đúng và cùng nhau trả lời. Đây là nền tảng để xây dựng tư duy đa chiều, sức mạnh đội nhóm và thúc đẩy sáng tạo. Sự sáng tạo và linh hoạt là hai yếu tố rất quan trọng trong một tương lai thay đổi nhanh như hiện nay. Dù là thế hệ nào, tôi luôn hướng tới những người Alphanam chung giá trị, những người sống tử tế và làm việc vì đam mê. 

Sau một quá trình làm việc chung với các bạn trẻ, tôi nhận thấy những người trẻ bây giờ rất biết quan tâm đến các vấn đề trong xã hội, đa dạng hơn về cá tính và thói quen làm việc. Có nhiều bạn trẻ muốn nhanh khẳng định mình, muốn nhìn thấy kết quả ngay. Sự quyết liệt đó là rất tốt, nếu đi kèm với tư duy nền tảng, bền vững. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất của người Alphanam là làm thế nào để tinh thần “Đi trước một bước” song hành cùng tư duy nền tảng – làm đúng ngay từ những bước đầu tiên, và chất lượng là sự sống còn. Vì những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay, chính là nền móng của thế hệ Alphanam sau này. Tương lai nằm trong tay các bạn là vì thế.

ĐƠN THUẦN,
NGỌC MỸ LÀ NGỌC MỸ!

Thưa Tổng giám đốc, chị là người sống thiên về lý trí hay cảm xúc?

Nói một cách hình tượng thì đối với tôi cảm xúc là đầu vào, lý trí là bộ máy xử lý, đầu ra là sản phẩm của cả lý trí và cảm xúc. 

Tôi lớn lên trong một môi trường mà những người làm việc cùng tôi là những người gắn bó với bố mẹ tôi, với Alphanam từ rất lâu, tôi luôn thương yêu họ và cũng nhận được từ họ sự thương yêu, đó là điều đương nhiên. Nhưng khi tôi đặt chân sang Mỹ, tôi mới học được một loại cảm xúc khác, tình cảm khác, mà tình cảm này không đến từ việc tôi là người thân trong gia đình của họ, không đến từ một kết nối lâu dài trong tương lai. Đa số những người tôi gặp ở Mỹ, họ biết họ chỉ gặp tôi trong vòng một năm, thậm chí mới chỉ gặp vài lần như những cảnh sát hoặc những nhân viên ở trường, nhưng sự tử tế họ trao cho tôi vượt quá tưởng tượng về sự giúp đỡ dành cho một người dưng nước lã. 

Khi tôi mới sang Mỹ một tháng, người thầy giáo toán của tôi lúc đó là người khó tính nhất trường, thầy cực kỳ nghiêm khắc và không bao giờ thể hiện tình cảm. Về sau, tôi mới biết thầy chính là người đã đề xuất lên nhà trường và bảo vệ case của tôi để tôi đạt giải “Student of the month” (Học sinh của tháng).

Tôi còn nhớ, thời điểm học đại học, sức khoẻ tôi rất kém và tôi phải nghỉ học một thời gian. Tôi bị trừ điểm nghỉ học rất nhiều, hệ quả là tôi phải gặp nhiều thầy cô giáo để giải trình lý do. Có người thông cảm, cũng có người không. Nhưng những người trao cơ hội để tôi gỡ điểm là những người tôi chưa từng nghĩ họ sẽ làm thế. Khi tôi đi học, có rất nhiều người mà tôi không nghĩ họ sẽ giúp mình, thì họ lại là người giúp tích cực nhất. Tôi không thể quên một Cô giáo dạy môn Phụ nữ học (Women Studies) – người duy nhất đã giữ tôi ở lại một mùa hè làm nghiên cứu cùng cô, để tôi có thể bù lại số điểm bị mất trong năm. 

Đó chỉ là những trải nghiệm rất nhỏ, trong quá trình đi du học tôi đã trải qua hàng trăm trải nghiệm như thế. Có nhiều người dành tặng cho tôi sự giúp đỡ vô điều kiện như dành thời gian để hỗ trợ ngoài giờ; cho tôi đi nhờ xe dù không thân thiết, thậm chí từ những người không quen biết… và đó là lý do tại sao tôi rất biết ơn quãng thời gian này. Những người bạn của tôi cũng vậy, khi tôi ốm đã có người đội tuyết đi một nửa thành phố tới mang cháo cho tôi ăn. Nhận được nhiều sự đối xử tử tế trong xã hội, tôi luôn tâm niệm là mình cần giúp đỡ người khác, có thể sự giúp đỡ đó không đến từ công việc nhưng chí ít tôi sẽ hỗ trợ họ ở một khía cạnh nào đó.

Quỹ Alphanam Green Foundation do Ms. Ngọc Mỹ khởi xướng đã vận hành Siêu thị mini 0 đồng
tại hai huyện Thanh Oai và Phú Xuyên (Hà Nội), hỗ trợ người dân khó khăn trong thời kỳ giãn cách xã hội

Chị dùng rất nhiều từ “trao gửi niềm tin” trong các bài phỏng vấn trên truyền thông. Phải chăng niềm tinmột điều không thể thiếu trong cuộc sống của chị?

Có niềm tin thì sẽ dẫn dắt được hành vi. Trong hai năm vừa qua, khi Covid xảy ra, tôi học được một điều là không có gì có thể giải quyết trong sự bi quan. Khi lạc quan, chúng ta mới tìm được cách giải quyết. Niềm tin cũng thế, đó là yếu tố dẫn lối cho hành vi mà người khác sẽ làm. Nếu mình không tin là họ làm được, thì sao họ lại phải muốn làm điều đó? Tôi là người nhạy cảm về năng lượng và rất cẩn thận trong việc suy nghĩ về người khác. Trong công việc, để đạt được nguyên tắc về sự “liêm khiết và trung thực”, để đạt đến “sức mạnh tập thể”, thì chúng ta phải xóa bỏ nhiều rào cản ở giữa. Những rào cản này được tạo ra bởi sự thiếu lòng tin, phải có lòng tin thì mới có thể trao cho nhau cơ hội.

Đến lúc này, để nói về tuổi trẻ của mình, điều gì khiến chị hạnh phúc nhất khi nhớ về? 

Đó là gia đình. Thỉnh thoảng, những lúc ngồi ăn trưa, Chủ tịch nói về điều gì đó và cười khoái chí, tôi cũng cảm thấy vui lây. Hay những giây phút buổi tối trở về nhà, tôi và anh Nhật cùng chia sẻ những câu chuyện hài hước, vui vẻ tại công ty. Tôi hạnh phúc vì được làm việc với gia đình mình, các thành viên luôn thấu hiểu lẫn nhau từ trong công việc cho tới cuộc sống.

Ngay lúc này, nếu để nói về một điều mà chị mong muốn nhất, chị sẽ nói điều gì?

Tôi muốn vào Đà Nẵng. Từ khi các khách sạn mở đến giờ, đây là quãng thời gian dài nhất tôi chưa được tới đó. Tôi muốn được nhìn thấy khách sạn sáng đèn, được nhìn thấy các bạn nhân viên đang làm việc.

Post Views: 308