NHỚ LẮM “NHỮNG BỮA CƠM NHÀ”

Bữa cơm là đặc trưng của không khí gia đình, là điều mà khi đi xa chúng ta luôn thấy thiếu vắng trong tâm hồn…Ban biên tập xin đăng tải tâm sự của một CBNV Alphanam đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, xa nhà đến nay đã gần hai thập kỷ!

Ngày còn bé, tâm hồn con còn ngây thơ trong sáng và chẳng phải bận tâm về điều gì nên cứ mải mê rong chơi cho đến bữa ba mẹ gọi về ăn cơm. Khi ấy con còn phụng phịu và ra về trong ánh mắt tiếc nuối những viên bi chưa “gỡ” lại được.

Và rồi, bữa cơm diễn ra thật chóng vánh, ào ào cho xong để tiếp tục chinh chiến với đám con nít trong xóm. Cứ như vậy, hai mươi năm đầu đời, từng bữa cơm gia đình đã trở thành thói quen khiến con mặc nhiên coi đó là một điều tất yếu trong cuộc sống. Phải tới khi rời xa mái nhà thân quen và tự mình trải nghiệm cuộc sống thì con mới thấy nhớ nhung làm sao những phút giây cả gia đình được ngồi bên nhau cùng ăn một bữa cơm. Dù hôm ấy nhà chỉ có vài bìa đậu rán cùng đĩa rau muống luộc mà vẫn thấy rôm rả biết bao.

MÂM CƠM NÀO NGON BẰNG CƠM MẸ NẤU”

Con nhớ, ngày xưa nhà mình còn khó khăn, mẹ đi bán đậu ngoài chợ nên mỗi hôm vắng khách là mâm cơm chẳng có gì khác ngoài các món về đậu. Hết đậu rán, đậu luộc, đậu sốt rồi đậu tẩm hành, ăn hoài đâm ra ngán. Trẻ con mà, luôn thích được thay đổi thật nhiều món ngon. Con đòi ăn thịt cá, mẹ nín nhịn chút tiền chợ mua thịt về làm chả lá lốt cho chị em con. Còn ông bà, ba mẹ thì vẫn ăn rau luộc chấm mắm trường kỳ, được bữa nào đọt dọc mùng sau nhà lên nhiều thì mới có thêm món nộm chua cay. Những bữa cơm “sơn hào hải vị” của chị em con thấm đẫm giọt mồ hôi mặn chát của ba và mẹ. Ấy thế mà nhiều hôm con còn bỏ bữa, mặc những món mẹ làm thật kỳ công và vất vả.

Giờ con đã lớn khôn, công việc cuốn con đi nhiều nơi, đến những nhà hàng sang trọng nhưng trong hàng vạn bữa cơm xa lạ, không có món nào ngon bằng cơm mẹ nấu. Bởi nó thiếu một thứ gia vị rất riêng mà chỉ có những bữa cơm nhà mới có được, đó chính là hương vị của tấm lòng, tấm lòng của một người mẹ dành cho con, cho gia đình. Hương vị ấy có thể chỉ là một bát canh cá nóng hổi thêm chút gừng cay giữa trời đông giá lạnh mà thôi…

“LỜI RĂN NGHIÊM KHẮC NHƯNG ĐẦY YÊU THƯƠNG CỦA BA”
Ngày còn bé, con thường cảm thấy ba con mình không hợp nhau chút nào, vì cứ mỗi lần ngồi vào mâm cơm là ba lại “giảng dạy” bao nhiêu đạo lý, từ nề nếp ăn uống sinh hoạt đến chuyện quan hệ ứng xử. Và cho dù con có luôn cố gắng để sửa mình theo lời ba dạy thì vẫn chẳng khi nào ba hài lòng và thôi không nhắc nhở. Trong mắt ba, con không mắc lỗi này thì lại mắc lỗi khác, ba không dạy bài học này thì lại bài học khác. Khi ấy con chỉ muốn mình lớn thật nhanh, để được ăn riêng, để không phải nghe lời “càm ràm” của ba và để chứng minh với ba rằng, không có ba con vẫn luôn biết tự rèn giũa mình để lớn khôn mỗi ngày.

Vậy mà lời ba dạy đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của con từ lúc nào không hay. Mỗi lần thấy cái cán muôi canh đặt “không đúng chỗ” con lại bất giác mỉm cười và xoay nó ra “hướng không người” như ba hay làm, dù đôi khi chẳng ai thấy phiền. Con thường xuyên nói “cảm ơn” và “xin lỗi” như một bản năng ngay cả khi mọi người bảo “đừng khách sáo như thế”. Rồi con bỗng nhận ra rằng, không có những lời dạy “nghiêm khắc” ấy của ba, có thể con vẫn trưởng thành, đi làm và có vị trí cao trong xã hội, nhưng con sẽ chẳng đủ sự tinh tế hay sự chân thành để tận hưởng trọn vẹn niềm vui của cuộc sống này.

Dẫu biết rằng, giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống, con phải chạy đua với thời gian, với công việc và để về nhà ăn một bữa cơm cùng ba mẹ thật khó biết bao, nhưng ba mẹ ơi, chén cơm của mẹ, lời dạy của ba sẽ luôn theo con trong suốt cuộc đời này. Con yêu gia đình mình thật nhiều!

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin