Sứ mệnh, tầm nhìn và nguyên tắc của Alphanam lần đầu tiên được tôi viết ra vào năm 2001, tại Hoa Kỳ trong khóa học MBA của mình. Đó không phải sản phẩm của những suy nghĩ trong thoáng chốc, mà là cả một quá trình tích lũy, trưởng thành của Alphanam sau 6 năm hoạt động.
Khi thành lập Alphanam vào năm 1995, tôi vẫn còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm thương trường. Việt Nam khi ấy cũng mới bước vào thời kỳ Đổi mới, mở cửa giao thương và làm quen với kinh tế thị trường. Lúc đó, vốn liếng lớn nhất của tôi là khát vọng tuổi trẻ, là ước mơ được nhìn ra thế giới và có thể làm được điều gì đó ý nghĩa, cống hiến cho xã hội.
Lúc ấy, tôi tư duy rằng đã là một người thủ lĩnh, người dẫn đầu thì phải toàn tài để dẫn dắt được anh em. Vậy nên, tôi học rất nhiều. Trong suốt 10 năm, ngoài học đại học, tôi liên tục học thêm các lớp kỹ năng ngắn hạn. Tối nào cũng đi học, cả thứ Bảy và Chủ nhật để rèn luyện bản thân. Tôi muốn mình có thêm nhiều kỹ năng mềm để vận hành doanh nghiệp hiệu quả. Thành quả cho những ngày học tập và hoàn thiện không ngừng đó chính là giải thưởng Doanh nhân Sao đỏ năm 1999.
Trong các doanh nghiệp Việt Nam thời ấy, hay cụ thể hơn là những doanh nghiệp của các doanh nhân đạt giải thưởng Sao Đỏ thời ấy, tôi nhận ra rằng đa số doanh nhân đều có tư duy hành động giống nhau. Và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Vì thế, tôi nghĩ nếu bản thân không có sự khác biệt để đi nhanh hơn thì tất yếu rằng tôi sẽ tụt hậu. Để khác biệt và không tụt hậu thì phải đi trước!
Tôi nhớ có một kỷ niệm vào ngày mà tôi làm việc với tập đoàn Schneider của Pháp. Một người Pháp trong cuộc gặp mặt đó đã nói một câu như thế này: “Nhà khoa học phải nghĩ ra những cái mà người khác chưa nghĩ được ra, nhưng nhà kinh doanh thì phải nghĩ ra những cái ngay tức khắc biến thành hiệu quả”. Như vậy, làm kinh doanh có nghĩa là không được nghĩ quá bay bổng, không được nghĩ quá xa. Từ suy nghĩ đó, tôi cho rằng đi trước không được nhiều bước quá, mà chỉ nên là một bước thôi. Nếu nhiều bước thì tôi sẽ trở thành nhà khoa học mất, chứ không còn là người làm kinh doanh nữa. Thế là, dù chưa hình thành một cách cụ thể, nhưng tư duy “Đi trước một bước” đã được tôi nung nấu và manh nha từ thời điểm năm 1999.
Năm 2001, tôi quyết định sang Hoa Kỳ theo học Cao học Quản trị Kinh doanh quốc tế để tiếp cận những kiến thức mới, được dẫn dắt tư duy bởi những nhà quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp. Có thể bây giờ học Thạc sỹ là điều bình thường với các bạn trẻ, nhưng 20 năm trước thì khác, tôi có cảm giác mình như được “giải ngố”, vỡ òa trong những kiến thức mới mẻ. Thời điểm 20 năm về trước, Quản trị kinh doanh là một ngành học rất mới tại Việt Nam. Tôi học theo đúng nghĩa “nuốt” từng câu từng chữ thầy cô giáo nói. Phương pháp học của chúng tôi khi đó là học theo case study, thầy chia sẻ một câu và cả lớp sẽ trình bày phần còn lại. Chính cách thức đó đã giúp từng học viên được phát huy khả năng của riêng mình. Tôi nhớ mãi những bài giảng đầu tiên về tinh thần doanh nhân, được giảng dạy về định nghĩa “thế nào là doanh nhân”.
Thời tuổi trẻ, tôi ước mơ, khát vọng, quyết tâm. Tôi vừa là người tướng ra trận, vừa là người đứng đầu, dẫn dắt tất cả anh em đi theo. Tinh thần thủ lĩnh trong giai đoạn đầu hình thành Alphanam là sự tư duy, rèn luyện kỹ năng cho cá nhân mình. Tôi tâm đắc một câu giảng của thầy: “Cuộc đời một doanh nhân phụ thuộc vào tầm nhìn của doanh nhân”. Đúng vậy, tầm nhìn mới là quan trọng, quyết định cuộc đời của mỗi con người!
Trong lúc thầy giảng, tôi đã viết ở vào cuốn sổ ghi chép, rằng chính mình phải là người định đoạt cuộc đời mình, chứ không phải là ai khác. Trong một buổi học, chúng tôi tham gia giải case-study về một tập đoàn có quy mô toàn cầu. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi nhận thức được rằng một doanh nghiệp phải có tầm nhìn, phải có nguyên tắc, phải có sứ mệnh, phải có mục tiêu. Tôi bắt đầu nghĩ về cuộc đời doanh nhân của mình, nghĩ về doanh nghiệp mà mình muốn hướng tới. Có thể coi đó là một phút xuất thần của tôi bởi tôi viết rất nhanh, chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng trong lớp tôi đã viết một mạch sứ mệnh, giá trị và nguyên tắc bây giờ của Alphanam.
Sau khi viết những dòng đó, tôi đưa giảng viên đọc và được nhận những phản hồi tích cực. Rồi cả lớp cùng thảo luận, góp ý nhưng gần như không phải sửa bất cứ điều gì. Có một nội dung được đem ra tranh luận rất sôi nổi về sứ mệnh của Alphanam, rằng tôi mong muốn đem lại “lợi ích cao nhất cho Alphanam và cho cộng đồng”. Tôi là người duy nhất của lớp cho rằng “phải nghĩ đến bản thân mình trước rồi nghĩ đến cộng đồng”. Trong xã hội, thường người ta luôn cho rằng phải nghĩ cho số đông trước rồi mới đến cá nhân. Cuối cùng, giảng viên ủng hộ tôi và nói rằng đó là một tư duy rất thực tế, thẳng thắn và bản năng. Tôi “tôn trọng bản năng”, vì không thể thay đổi được bản năng.
Giảng viên có nói thêm rằng: “Bản năng là cái xuyên suốt cuộc đời một con người mà không bao giờ thay đổi được, không bao giờ che đậy được”. Những ai khéo léo định hướng được điều đó để gắn nhiều người vào một mục tiêu thì sẽ thành công. Từ triết lý này, tôi đã giữ mãi câu “phát triển bền vững với lợi ích cao nhất cho Alphanam và cộng đồng”. Cùng thời điểm đó, logo Alphanam cũng ra đời. Một trong những điều mà tôi học được, đó là mỗi một công ty phải có slogan và logo riêng, bởi đây là sự nhận diện cả bằng lời và bằng hình ảnh, cũng là khẩu hiệu định vị đối với nội bộ công ty và với cả xã hội.
Giống như cách chúng ta nghe một bản nhạc, ngoài nốt nhạc ra thì cần có lời hát để phân biệt giữa bài hát này và bài hát kia. Sở thích, ngành nghề, mong muốn, khát vọng của mỗi người được thể hiện qua màu sắc. Khi cân nhắc màu của logo, tôi đã chọn màu vàng và màu đỏ, vì tôi nghĩ đối với mỗi người Việt Nam đây là hai sắc màu thiêng liêng – màu của quốc kỳ.
Logo đầu tiên của Alphanam là quả địa cầu, trên đó chữ Alpha đi vòng quanh thế giới rồi trở về Việt Nam. Còn logo bây giờ chữ Alphanam trên nền đỏ, bên dưới là màu vàng với chữ Group tượng trưng cho toàn bộ tổ chức và hệ thống của Alphanam. Đó là sự ra đời của tầm nhìn, sứ mệnh, slogan và logo Alphanam trên giảng đường nước Mỹ năm 2001. Từ đó đến nay đã tròn 20 năm.
Đó không phải là cảm xúc nhất thời hay một ngẫu hứng, không viết theo giáo điều nào, mà là cả một quá trình chuyển đổi tư duy, từ tư duy thủ lĩnh sang tư duy xây dựng một hệ thống. Từ đó mới có chuyện “coi trọng sự đa dạng của từng cá nhân và bản sắc của từng địa phương” – nội dung nằm trong nguyên tắc về sự đoàn kết của Alphanam.
Tôi học được rằng không có điều gì là vĩnh cữu, là mãi mãi, là tuyệt đối. Trong thực tế cuộc sống cũng vậy, nên hạn chế cho rằng mình là giỏi nhất. Nếu tôi cho rằng Alphanam là nhất thì nhất với ai, nhất ở đâu? Về tầm nhìn, tôi luôn đặt mình ở vị trí “phấn đấu”. Tại thời điểm đó, câu nói của Lenin “học, học nữa, học mãi” ngấm vào máu, vào tâm trí những người thuộc thế hệ của tôi. Tôi luôn tự nhủ lúc nào cũng phải nỗ lực, lúc nào cũng phải cố gắng không ngừng nghỉ. Ngày hôm nay mình lên ở mức này, ngày mai sẽ lại lên ở mức cao hơn.
Đến ngày hôm nay, việc “phấn đấu” ngày càng được thể hiện rõ. Xã hội luôn vận động và biến chuyển không ngừng, tôi cho rằng với Alphanam cụm từ “luôn phấn đấu” đó vẫn còn nguyên giá trị. Đã là người Alphanam thì luôn phải dấn thân, luôn phải phấn đấu. Vậy nên sứ mệnh của Alphanam là “luôn phấn đấu để trở thành người đứng đầu trong từng lĩnh vực của mình”. Khi đề cập đến các giá trị của tổ chức, yếu tố nhân lực luôn được tôi đặt lên hàng đầu. Đặt trong bối cảnh 20 năm trước, tôi được học về cách phân tích nguồn lực.
Trong tư duy của thời xã hội chủ nghĩa, nguồn lực chính là “vốn”. Còn khi tôi học chương trình của Mỹ, tôi được biết thêm có thêm 3 nguồn lực nữa cũng rất quan trọng, một là nguồn nhân lực, hai là môi trường xã hội và các thể chế chính sách, ba là quan hệ. Có một thực tế rằng người nào tận dụng được tốt những nguồn lực này thì đều rất thành công.
Lúc đó, tôi vẫn còn rất trẻ. Tôi của thời điểm đó đã nghĩ rằng tôi không tác động được đến thể chế, quan hệ và môi trường, hơn nữa vốn thì chưa có nhiều. Tôi phải tìm trong bốn nguồn lực ấy để lựa chọn yếu tố khả thi nhất. Kết quả, tôi chọn nhân lực là giá trị cốt lõi của Alphanam, với những con người nhiệt huyết, quả cảm, lăn xả, đồng lòng cùng một mục tiêu, cùng cống hiến. Đến bây giờ suy nghĩ đó vẫn luôn đồng hành với Alphanam, tại Alphanam nhân lực là tài sản quý giá nhất, là nguồn lực lớn nhất của doanh nghiệp.
Hiện tại, nhân sự tại Alphanam không chỉ là giá trị cốt lõi nữa, mà đó còn là giá trị bền vững. Ngày xưa, đó là sự lựa chọn duy nhất và tốt nhất. Nhưng ngày nay, nhân lực là sự lựa chọn bền vững. Cùng một câu chữ, nhưng ở mỗi một thời điểm sẽ có những cách nhìn khác nhau.
Giá trị là yếu tố quyết định giá thành của sản phẩm, và là hình ảnh của Alphanam. Những ngày đầu khi Alphanam vừa ra đời, ngay tức khắc tôi đã chọn lựa những sản phẩm số một thế giới để mang về Việt Nam. Vì những sản phẩm chất lượng như vậy nên dù sản phẩm có giá thành có cao hơn những sản phẩm thông dụng ở Việt Nam, chúng tôi vẫn được tin tưởng lựa chọn. Bởi vậy mới thấy định vị giá trị của sản phẩm thì chất lượng là cái quan trọng nhất.
Lúc đó, Alphanam đi vào thị trường cùng với những thương hiệu hàng đầu thế giới như Schneider, ABB… Kể cả những tủ bảng điện do Alphanam sản xuất có giá đắt gấp đôi so với mặt bằng chung nhưng vẫn bán tốt và có doanh thu lớn lúc đó, rõ ràng phải có lý do. Kể cả những công trình do Alphanam thi công như Nhà hát lớn, khách sạn Nikko, văn phòng Trung ương Đảng, văn phòng Quốc hội, văn phòng Chính phủ… thì đều thể hiện chất lượng của dịch vụ và sản phẩm mà Alphanam mang lại. Điều đó quyết định hình ảnh của chính Alphanam. Điều mang lại hình ảnh cho công ty phải được thể hiện qua sản phẩm và dịch vụ, chứ không phải sự hào nhoáng của truyền thông.
Hơn nữa, thời điểm đó truyền thông chưa mạnh mẽ như bây giờ, tôi cũng chưa nghĩ đến việc truyền thông có thể trở thành công cụ để “đánh bóng”. Chúng tôi đề cao giá trị “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, vậy nên giá trị cốt lõi, giá trị thật đem đến cho khách hàng mới là giá trị bền vững. Nhưng nói vậy không có nghĩa rằng tôi phủ nhận tầm ảnh hưởng của truyền thông. Hiện nay dù sản phẩm của chúng tôi tốt, nhưng khách hàng đã có thêm nhiều sự lựa chọn. Truyền thông sẽ giúp truyền tải thông tin đến khách hàng để họ tiếp cận nhiều hơn hoặc hiểu rõ hơn về sản phẩm, vậy nên giá trị của truyền thông cũng rất quan trọng.
Ngày xưa, cơm no – áo ấm là sống được rồi, nhưng bây giờ phải ăn ngon – mặc đẹp. Truyền thông cũng giống như mỹ phẩm, quần áo, trang sức. Sản phẩm qua truyền thông sẽ trở nên giá trị hơn, lúc đó sự khác biệt sẽ còn lớn hơn nữa.
Tôi luôn cho rằng, lợi nhuận chính là thước đo sự hoàn hảo đối với sản phẩm, cũng là sự đánh giá của khách hàng dành cho Alphanam. Ở thời điểm 20 năm trước, “lợi nhuận” hay “lãi” là yếu tố tương đối nhạy cảm bởi dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị đánh giá là gian thương. Nhưng bản năng của người làm kinh doanh là muốn lãi. Lúc đó tôi chỉ suy nghĩ rằng dùng một từ khéo léo, làm thế nào thể hiện mong muốn “có lợi nhuận”, nhưng đồng thời phải ẩn chứa một thông điệp khác. Lợi nhuận chính là thước đo sự hài lòng của khách hàng, đó là một thực tế mà tôi đã thấy rất rõ.
Ví dụ cùng một nhà thầu, nhưng giá của Alphanam đưa ra luôn gấp đôi các nhà thầu khác. Tuy vậy chúng tôi vẫn được chọn! Đó là sự tin tưởng của khách hàng dành cho nỗ lực của người Alphanam, điều đó tạo nên giá trị. Giá trị đó đến từ đâu? Đến từ sự hài lòng của khách hàng, chứ không phải lấy từ việc buôn gian bán dối. Đem lại giá trị lớn cho khách hàng, thì khách hàng sẽ tưởng thưởng cho mình lợi nhuận “sạch” và bền vững.
Ngay từ ngày đó, tôi luôn tư duy rằng không làm việc gì mà chỉ để đạt được một mục tiêu. Làm một việc mà chỉ được một việc thì là người bình thường, nhưng người nào làm một việc mà đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu thì càng thành công. Đạt được hai mục tiêu, nghĩa là hiệu quả gấp đôi. Đạt được ba mục tiêu, nghĩa là hiệu quả gấp ba. Đơn giản vậy thôi!
Các nguyên tắc “chất lượng là sự sống còn”, “hướng về khách hàng” hay “đoàn kết là sức mạnh” mà tôi đặt ra cho Alphanam có thể áp dụng được ở mọi lĩnh vực và xuyên suốt các thời kỳ. Thú thật, ngay cả trong giấc mơ tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ Alphanam sẽ có ngày hôm nay. Lúc viết những dòng đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng chất lượng là sự sống còn với doanh nghiệp và doanh nghiệp thì phải hướng về khách hàng.
Nguyên tắc cần logic với giá trị, nếu lợi nhuận có được từ sự hài lòng của khách hàng, thì đương nhiên sản phẩm sẽ là sự sống còn. Có sản phẩm tốt thì khách hàng mới trả tiền và cho chúng ta lợi nhuận. Như vậy, mấu chốt nằm ở sản phẩm.
Còn nói về nguyên tắc “đoàn kết là sức mạnh”, nghe có vẻ “chính trị” bởi khi viết cái đó tôi đã lấy cảm hứng từ những khẩu hiệu của đất nước ta lúc bấy giờ. Vào thời điểm năm 2000, Alphanam lúc đó đã có hơn 1000 thành viên trên khắp cả nước, có hàng ngũ tướng lĩnh khá đông và bắt đầu nảy sinh những tranh luận giữa những luồng tư tưởng cũ và mới. Xã hội cũng đang nói về câu chuyện đoàn kết khi tồn tại mâu thuẫn giữa các khái niệm kinh tế của xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.
Người Alphanam đi công trình rất đông, riêng công trình ở Nghệ An, Quảng Ninh hay Hải Phòng có 400 – 500 người là hết sức bình thường. Lúc đó sự hô hào đoàn kết vừa được nảy sinh từ chính nhu cầu xã hội, vừa xuất phát từ ước mong của chính Alphanam. Tôi không muốn trong Alphanam có bè phái. Đoàn kết của thời điểm đó và bây giờ rất khác nhau. Ở thời điểm đó, đoàn kết chỉ là “sống” hay “chết” – đoàn kết hay là chết? Phải đi cùng nhau thì mới tồn tại được. Nhưng đoàn kết của ngày hôm nay là đoàn kết để phát triển, tạo nên sức mạnh cùng nhau làm nên nhiều điều tốt đẹp hơn.
Một trong những nguyên tắc mà Alphanam hướng đến là “hợp tác cùng tồn tại”. Trải qua những vụ “đấu đá”, cạnh tranh trên thương trường, tôi luôn tự nhủ rằng mình phải “đi trước”. Nhưng đấu đá nhiều sẽ rất mệt mỏi, nên các doanh nghiệp mới có mong muốn hợp tác để cùng tồn tại. Sau này, tôi đã vẽ ra sơ đồ “chuỗi lợi ích đồng hành” và “đồng hành lợi ích” để không chỉ hợp tác với bên ngoài, mà kể cả với nội bộ Alphanam cũng có thể áp dụng để cùng phát triển. Các bài toán đều có đáp án từ nguyên tắc “hợp tác cùng tồn tại”.
“Liêm khiết” và “trung thực” là hai phẩm chất tạo nên giá trị của người Alphanam. Cũng là nguyên tắc mà Alphanam hướng đến. Nói một cách đơn giản thì một người muốn “khỏe” phải là người không có bệnh. Có bệnh là phải chữa, rồi mới rèn luyện thân thể để làm được những việc nặng.
Chặng đường hơn 1/4 thế kỷ trôi qua với biết bao thăng trầm và đổi thay, nhưng Alphanam Group vẫn luôn là một mái nhà thân thuộc, chứng kiến sự trưởng thành của biết bao thế hệ nhân viên. Giờ đây, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải, Tổng giám đốc Nguyễn Minh Nhật và Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Mỹ cùng Ban lãnh đạo các công ty thành viên, Alphanam có quyền tự hào về một đội ngũ nhiệt huyết, bản lĩnh với những con tim cùng một mục tiêu, cùng một chí hướng, cùng một niềm vui.
26 năm đó, bằng trí tuệ, đam mê và bằng triết lý kinh doanh sâu sắc “Đi trước một bước”, Alphanam Group đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam và ghi dấu ấn thương hiệu trên dải đất hình chữ S bằng hàng loạt những sản phẩm và dịch vụ mang giá trị bền vững.
Trong những năm tiếp theo, Alphanam Group sẽ tiếp tục giữ vững định hướng về sứ mệnh – giá trị – nguyên tắc của mình, trở thành một doanh nghiệp phát triển bền vững, dung hòa lợi ích kinh doanh với trách nhiệm cộng đồng, đóng góp nhiều hơn cho sự phồn vinh của đất nước. Logo với hai màu đỏ – vàng thiêng liêng, thắp lên niềm tin về một niềm tự hào Alphanam được dựng xây bởi các thế hệ nối tiếp nhau, gắn cùng niềm tự hào Việt Nam để phát triển hùng cường.
Để tạo nên một “dấu gạch nối” đến thế hệ Alphanam đầy tiềm năng, mở cánh cửa hội nhập cùng thế giới, Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho bộ máy lãnh đạo trẻ, tiếp tục phát huy thế mạnh của văn hóa gia đình Alphanam. Trong thời gian qua, Alphanam chứng kiến sự kế nhiệm thành công của thế hệ thứ 2 với sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Nguyễn Minh Nhật và Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Mỹ. Đó là một trang mới với sự phát huy những giá trị trường tồn của tập đoàn, nâng tầm vị thế tại thương trường đầy cạnh tranh. Sức trẻ và trí tuệ của thế hệ hôm nay đã tạo nên một Alphanam mạnh mẽ với nội lực từ bên trong mỗi con người…
Tôi nghĩ xã hội ngày càng cần những sự giao thoa và liên kết với nhau. Sự hợp tác sẽ quyết định đến sự sống còn của một doanh nghiệp. Chúng ta có thể tìm hiểu trên thế giới, đa số những doanh nghiệp thành công đều có sự hợp tác tốt. Thứ nhất, họ có đối tác tốt, lâu dài, bền vững. Thứ hai, họ coi sự gắn bó của khách hàng chính là hợp tác.
Sự hợp tác của năm 2021 có sự khác biệt so với 20 năm trước ở chỗ, hợp tác không còn đơn thuần là với đối tác bên ngoài, mà còn phải từ chính trong nội bộ của Alphanam. 20 năm trước, Chủ tịch đã xác định “Nhân lực là tài sản quý giá nhất”, để nguồn nhân lực trở nên quý giá thì trong chính nội bộ tập đoàn, các thành viên phải hợp tác để tạo thành một thể đoàn kết.
Tôi nghĩ để “Đi trước một bước”, chúng ta phải lược bỏ đi những yếu tố khiến cho hành trình trở nên rườm rà, và khi mà con người không thể nào thành thật, trung thực với nhau thì sẽ dễ xảy ra hiểu lầm không đáng có, từ đó thì không thể đi nhanh được. Đó là lý do tại sao giữa nội bộ với nhau, chúng ta phải trung thực.
Sự liêm khiết xuất phát từ nền tảng văn hóa gia đình. Để tạo nên những giá trị tốt nhất cho đối tác, cho khách hàng, cho sản phẩm như trong nguyên tắc – sứ mệnh và giá trị mà Alphanam đã đề ra, bắt buộc chúng ta phải có sự liêm khiết và có sự đánh giá chính trực tới chất lượng công việc, sản phẩm của mình. Sự liêm khiết và trung thực ở đây thể hiện qua cách người Alphanam nhìn nhận chính mình. Sản phẩm làm ra cần thành thật với nó trước khi thành thật với những người xung quanh, nếu chúng ta không dám đối mặt thì không thể nào đạt được mục tiêu “chất lượng là sự sống còn”, không thể nào đánh giá được đâu là dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Để vươn tới sự hoàn hảo thì luôn phải bắt đầu từ chính bản thân mình. Sự liêm khiết và trung thực không chỉ nằm ở việc chúng ta hạn chế những vấn nạn hay rủi ro, mà chúng ta cần phải đối mặt và thành thật, từ đó tạo ra nền tảng phấn đấu đạt được mục tiêu tốt hơn trong thời gian ngắn nhất.