Sự kiện “Alphanam ¼ thế kỷ” – kỷ niệm chặng đường 25 năm của tập đoàn Alphanam – hay ALP25, như tôi thường gọi tắt, đã trải qua một quãng thời gian chuẩn bị với nhiều lần bị gián đoạn do Covid-19. Dẫu vậy, nhiệt huyết và lòng quyết tâm đối với chương trình từ Ban Tổ chức không bị ảnh hưởng, bởi chúng tôi được truyền động lực từ chính các tư liệu và tinh thần của người Alphanam. Trong thời gian này, tôi cùng với team Marketing đã tìm lại hàng trăm tư liệu từ hình ảnh tới video về hành trình đã đi qua, nhìn thấy rất nhiều gương mặt quen thuộc, và cảm thấy dòng máu Alphanam luôn chảy trong trái tim tất cả mọi người.
Alphanam đã có bước tiến dài khi nhìn lại các sự kiện của công ty trải dài trong hơn 1/4 thế kỷ qua, từ những lần đầu tiên tổ chức tại xưởng cơ khí Bồ Đề, nhà máy Hưng Yên, nhà hát Trưng Vương, Nhà Hát Lớn Hà Nội… và sự kiện sắp tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Alphanam ngày hôm nay được xây dựng bằng công sức của hàng vạn người, bao gồm các thành viên trong gia đình Alphanam, các đối tác trong và ngoài nước. Sự nỗ lực và chung tay của người Alphanam đã tạo ra những sản phẩm và giá trị cụ thể, đúc kết từ hàng triệu giờ lao động của nhiều thế hệ.
Sự kiện ALP25 sắp tới sẽ phần nào tái hiện lại hành trình 1/4 thế kỷ của Alphanam dưới hình thức một vở nhạc kịch. Trong một quãng thời gian ngắn ngủi không đủ để kể lại hết những gì đã qua, nhưng hy vọng mọi người đón nhận nó như một lời gợi nhớ về từng bước chân mà chúng ta đã đi qua, và háo hức chờ đón những gì sắp tới.
Dịch Covid-19 và các hệ lụy nó mang lại dường như là lần đầu tiên thế hệ lãnh đạo của tôi trải nghiệm qua một đợt khủng hoảng của xã hội và nền kinh tế. Trước đây, khi còn bé, tôi cũng đã đọc, đã nghe về những đợt khủng hoảng lớn như thế nhưng chưa ý thức được các tác động mà nó mang lại cho nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân như thế nào.
Bây giờ, khi đảm nhận vị trí lãnh đạo tại Alphanam, chứng kiến và trực tiếp phải đối mặt với những thử thách mà Covid-19 mang lại thì tôi thấy rằng khủng hoảng dường như luôn xuất hiện theo chu kỳ. Khủng hoảng đến là để ta phải hình thành cho mình bản lĩnh, nhìn nhận cục diện một cách dài hạn hơn và xây dựng xung quanh mình một đội ngũ bền bỉ để cùng đồng hành vượt qua thời gian khủng hoảng.
Khi chuẩn bị cho ALP25, tôi cảm nhận về sự kiện như một bước chuyển mình nhịp nhàng trong dòng chảy xuyên suốt của Alphanam – chặng đường đã qua là tư liệu cho hôm nay, và hôm nay sẽ là tiền đề cho những gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Đó cũng là một lời nhắn gửi mà tôi muốn gửi đến thế hệ tương lai – những người sẽ tiếp bước xây dựng nên chặng đường ½ thế kỷ mà Alphanam hướng đến: Chúng ta làm mọi việc với định hướng của một tầm nhìn dài hạn – làm cho hôm nay và chuẩn bị cho ngày mai. Sẽ không thể có ALP25 ngày hôm nay nếu như không có công sức và tầm nhìn xa của những người đi trước, cũng như Alphanam của ½ thế kỷ tiếp theo đang được xây nên từ chính những gì đang diễn ra hôm nay.
Đối với tôi, hành trình của mình chỉ mới bắt đầu, từng bước làm quen với các cương vị tại Alphanam, các tổ chức xã hội, hay công tác ngoại giao với vai trò Lãnh sự danh dự của Cộng hòa Iceland tại Hà Nội. Tôi luôn tin rằng hành trình của mỗi người đều đặc biệt, không có công thức nào cho sự thành công. Cái tôi tìm kiếm là sự hài hoà từ các vai trò khác nhau để tạo nên những ảnh hưởng tích cực hơn cho xã hội.
Mỗi người sẽ có cách đánh giá riêng về tôi, dựa trên trải nghiệm của cá nhân họ. Cá nhân tôi là người theo đuổi những giá trị bền vững mà tôi tin rằng sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng. Cho nên, trong tất cả các vai trò của mình, tôi mong muốn làm thật tốt nhiệm vụ, đào tạo được những đội ngũ kế cận, và tạo được các thành quả tích cực cho xã hội.
Còn tại Alphanam, tôi mong muốn mọi người nhớ về mình như “con bố Hải” vì tôi tự hào được là người con sinh ra và lớn lên trong mái nhà này.
Áp lực dành cho tôi ở thời điểm hiện tại đến từ bức tranh chung và kịch bản có phần hơi ảm đạm cho ngành du lịch – dịch vụ, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khi phải đối mặt và tồn tại trong một thị trường như vậy thì câu hỏi đặt ra là làm sao để lạc quan, bình tĩnh và vững vàng. Trong một thị trường đang đi xuống, bạn cần phải vượt qua rào cản của bản thân để đưa ra các quyết định quan trọng, phù hợp với những mục tiêu ngắn và dài hạn.
Tôi thường dành thời gian để viết, đọc sách, và tập thể thao. Đọc sách là cánh cửa để mở ra thế giới của những điều ta chưa biết – vì thế giới tràn đầy những điều chúng ta không biết là chúng ta không biết. Không dừng lại ở việc học hỏi từ lịch sử và những người thành công, đọc sách cũng là cách tôi xây dựng cách nhìn đa chiều, cũng như trui rèn quan điểm và chính kiến của mình khi phải đối mặt với rất nhiều tin tức trái chiều trong xã hội. Viết là để giúp mình hệ thống lại tất cả những suy nghĩ đó, đơn giản hoá những điều phức tạp.
Còn tập thể thao là để rèn luyện sức khỏe, tăng cường khả năng đề kháng để hỗ trợ cho cường độ làm việc cao. Chơi thể thao cũng là cách luyện đối đầu với áp lực, để “chịu đòn” tốt và bền bỉ hơn trong công việc.
Tôi không có quá nhiều cảm xúc đối với từ “ái nữ”, có lẽ vì nó không phải là ngôn ngữ quốc tế và không hiện đại. Có nhiều cách gọi đa chiều, truyền cảm hứng hơn đối với một nữ doanh nhân.
Madame Tôn Nữ Thị Ninh có nói: Xã hội ngày nay đã có nhiều tiến bộ nhưng bức tranh về phái nữ tại Việt Nam vẫn còn nhiều mảng màu trái ngược. Sự bình đẳng có nơi, có lúc đang bị đi xuống và điều này làm kìm hãm sự phát triển của phụ nữ.
Một ví dụ dễ thấy là sau dịch Covid-19, khi thị trường lao động gánh chịu những tác động nặng nề thì số lượng lao động nữ thất nghiệp nhiều hơn hẳn so với nam giới. Trong bối cảnh kinh tế từng hộ gia đình bị ảnh hưởng, người phụ nữ cũng thường lùi lại phía sau để lo việc nội trợ, ủng hộ sự nghiệp của đàn ông. Rất nhiều phụ nữ muốn được phát triển sự nghiệp, thực hiện những ước mơ của bản thân nhưng chưa vượt qua được chính rào cản mang tính truyền thống này.
Tuy vậy, tôi muốn nhắn nhủ họ rằng đừng ngại chia sẻ điều mình mong muốn với người thân, với gia đình. Vì gia đình, người thân là những người yêu thương bạn nhất và họ có thể thay đổi các quan niệm truyền thống để hỗ trợ bạn nhiều hơn, giúp bạn thực hiện được không chỉ là những mục tiêu sự nghiệp mà còn cả các ước mơ khác nữa.
Cách tốt nhất để nhìn nhận những việc khó là đối mặt và thay đổi định nghĩa về nó, tìm ra những lời giải đáp về mặt cảm xúc và kỹ thuật để biến nó trở thành cơ hội. Trước mỗi khó khăn, tôi phân tích nó theo 3 chiều hướng: Quá khứ – Hiện tại – Tương lai.
Tôi hình dung những mục tiêu, hình ảnh của mình trong tương lai, suy nghĩ rằng nếu không vượt qua được khó khăn của hôm nay thì không thể đạt được mục tiêu tương lai đó. Ngay từ thời còn đi học, tôi đã có thói quen tạo thêm áp lực cho mình, ví dụ như học nhiều môn cùng lúc hơn bình thường. Khi vượt qua được áp lực, giải quyết được một vấn đề khó khăn của ngày hôm nay thì ngày mai, nó sẽ không còn là khó khăn đối với bạn nữa.
Tôi cũng nhìn lại quá khứ, nhìn vào khó khăn đã trải qua để tìm thấy những kinh nghiệm. Khi bạn nghĩ sâu và đúc kết được bài học từ khó khăn trong quá khứ thì bạn cũng đồng thời chuẩn bị hành trang cho mình để sẵn sàng đối mặt với khó khăn mới.
Về hiện tại, tức là trong thời điểm đối mặt với khó khăn thì tôi chủ động điều chỉnh cảm xúc của mình bằng cách nhìn rộng hơn, xem ngoài những khó khăn đó thì xung quanh còn đang diễn ra những gì. Chắc chắn, xung quanh ta luôn có nhiều điều tích cực và khi lấy được những năng lượng tích cực ấy thì tôi có thêm động lực để tìm lời giải đáp.
Hiểu về tâm lý khi đi làm của nhân viên là một phần quan trọng trong quản trị nhân sự. Đối với đa phần các bạn trẻ, sự mất phương hướng và chưa xác định được mục tiêu công việc, từ đó dẫn đến thái độ chưa đúng với công việc và tổ chức, là một điều thường gặp.
Điều các bạn cần làm là học cách định hình suy nghĩ, cách đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong công việc và cuộc sống để tạo ra sự đam mê trong công việc. Đam mê không phải là một cái gì đó bên ngoài cần chúng ta tìm kiếm, nó luôn ở trong mỗi chúng ta và chờ đợi được “đánh thức”. Dành thời gian cho bản thân, hiểu về chính mình, từ đó xác định được mục tiêu và lên kế hoạch để có thể hướng đến tương lai mình mong muốn – đó sẽ là những người luôn được chào đón tại Alphanam Group.
Khái niệm “buông xuôi” không bao giờ có trong suy nghĩ của tôi. Tôi lớn lên trong gia đình có truyền thống kinh doanh và từ nhỏ đã chứng kiến người thân của mình vượt qua rất nhiều thử thách, đổ rất nhiều mồ hôi, công sức để xây dựng được Alphanam Group như ngày hôm nay. Tôi học được từ đó một điều là chỉ cần có niềm tin thì sẽ làm được mọi thứ và không bao giờ được bỏ cuộc.
Mỗi người có phong cách sống và lãnh đạo khác nhau. Tôi lựa chọn cách sống và dẫn dắt qua chính những việc mình làm – “Lead by example”. Lời khen có ảnh hưởng tích cực tuy nhiên chỉ lan tỏa được đến một vài cá nhân, trong những khoảnh khắc nhất định, và nên được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Tôi có cảm giác là thời đại này, thông qua mạng xã hội thì mọi người khen ngợi nhau có phần hơi dễ dãi. Tôi muốn xây dựng cho mình một giá trị thẳng thắn, thành thật, nói những gì mình nghĩ và làm những gì mình nghĩ, sống đơn giản và chân thành với mọi người.
Động viên bằng lời khen dù là tốt nhưng không nên và không phải là yếu tố quyết định trong quá trình tương tác để thúc đẩy một người phát triển. Sự phát triển bền vững đến từ bên trong, từ nhận thức cá nhân, từ việc tìm cho mình giá trị trong công việc và cuộc sống để tạo cho mình động lực riêng. Tôi dành nhiều thời gian hơn để hỗ trợ những người xung quanh hoàn thiện mình, cảm thấy trân trọng cuộc sống và công việc của mình, thì từ đó họ sẽ có năng lượng tích cực để lan toả cho đồng nghiệp, và cả gia đình.
Một trong những nhiệm vụ của cha mẹ là dạy bảo để một ngày nào đó các con có thể đứng vững khi không có họ ở bên. Trong một tổ chức, người lãnh đạo tốt là người tạo nên một tập thể phát triển khi không có họ bên cạnh. Với một công ty nhỏ, quyền quyết định và phân định tốt hay chưa tốt có thể chỉ nằm trong số rất ít người, nhưng tại một tập đoàn đa lĩnh vực như Alphanam, chúng ta cần đánh giá mọi việc bằng những thông tin khác nhau và đa chiều, như việc hoàn thành KPI, như doanh số, phản ứng của thị trường… và sự đón nhận của sản phẩm, dịch vụ do chúng ta làm ra. Đối với chúng ta, lời khen có giá trị nhất là từ khách hàng. Đó mới là những lời khen bền vững nhất, quan trọng hơn nhiều so với lời khen của lãnh đạo. Lời khen của khách hàng có thể nhìn thấy qua lợi nhuận, là thước đo sự hoàn hảo đối với từng sản phẩm, là sự đánh giá của khách hàng cho những nỗ lực của Alphanam.
Hạnh phúc ở tuổi 18 đi theo những dấu mốc cụ thể trong cuộc sống, ví dụ như khi vào được một ngôi trường tốt, tìm được một công việc tốt, hay mua được một món đồ mà mình thích.
Hạnh phúc ở tuổi này với tôi được tính theo từng ngày. Khi kết thúc một ngày, nếu bản thân cảm thấy đã làm được tương đối đầy đủ các công việc mình muốn làm và không làm tổn thương tới những người xung quanh thì đó sẽ là một ngày hạnh phúc.