CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO “BÌNH ĐẲNG GIỚI TẠI NƠI LÀM VIỆC”

Ngày 26/5, tại trụ sở 33A Bà Triệu, Hà Nội, các Cán bộ Quản lý Alphanam đã tham gia chương trình đào tạo với nội dung “Bình đẳng giới tại nơi làm việc”. Chương trình đào tạo do VBCWE – “Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ” phối hợp cùng Alphanam tổ chức giúp cán bộ quản lý (CBQL) có cái nhìn sâu sắc và chi tiết hơn về bình đẳng giới cũng như có thêm những kiến thức chuyên sâu để áp dụng hiệu quả trong môi trường làm việc tại Alphanam.

Năm 2021, Alphanam vinh dự nằm trong danh sách 50 công ty trên toàn thế giới đạt được chứng chỉ EDGE cấp độ MOVE. Chứng chỉ EDGE (Economics Dividends for Gender Equality) là một trong những chứng chỉ uy tín và có giá trị nhất về bình đẳng giới trên thế giới hiện nay. Đồng thời, Alphanam là đơn vị thứ 10 của ASEAN, thứ 3 của Việt Nam và là doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản được công nhận những nỗ lực trong quá trình thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc. Trong những năm vừa qua, Alphanam không ngừng xây dựng và triển khai các hoạt động đào tạo bình đẳng giới để người Alphanam hiểu và hành động mạnh mẽ hơn trong văn hóa bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Alphanam nhận chứng chỉ Bình Đẳng Giới toàn cầu EDGE cấp độ MOVE

VBCWE là đơn vị tiên phong trong hoạt động xây dựng văn hóa bình đẳng giới nơi làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp Việt nam. VBCWE không chỉ đánh giá bình đẳng giới, tư vấn các chính sách, kết nối doanh nghiệp, lan tỏa giá trị về bình đẳng giới mà còn là một trong các đơn vị tổ chức khóa đào tạo cho các doanh nghiệp về xây dựng môi trường làm việc an toàn, hạnh phúc.

Ngày 26/5 Alphanam đã kết hợp cùng với VBCWE tổ chức chương trình đào tạo “Bình đẳng giới tại nơi làm việc”, khai thác bình đẳng giới từ những góc nhìn sâu hơn, áp dụng vào công tác quản trị nhân sự và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Chương trình có sự tham gia của 2 giảng viên đến từ VBCWE: Ms. Đinh Thị Thu Hoài – Giám đốc điều hành của VBCWE và Mr. Đỗ Tuấn Anh  – Trưởng phòng đào tạo VBCWE cùng các thành viên là các CBQL của Alphanam.

Ms. Đinh Thị Thu Hoài – Giám đốc điều hành của VBCWE
Mr. Đỗ Tuấn Anh  – Trưởng phòng đào tạo VBCWE

Chương trình áp dụng phương pháp đào tạo đặc biệt, khác với các phương pháp đào tạo truyền thống với tên gọi “Đào tạo cùng tham gia”. Các thành viên tham dự có những trải nghiệm, suy ngẫm và rút ra được nhiều bài học hữu ích. Ngoài ra, xuyên suốt chương trình đào tạo đã có rất nhiều hoạt động nhóm được diễn ra sôi động, giúp các thành viên tham gia có tinh thần học tập thoải mái, cởi mở và hiệu quả hơn.

PHẦN I: THIÊN KIẾN VÔ THỨC TẠI NƠI LÀM VIỆC

Nội dung của phần đào tạo buổi sáng đã nêu bật nên khái niệm về thiên kiến vô thức; tác hại của thiên kiến vô thức; các loại thiên kiến vô thức tại nơi làm việc và làm thế nào để xóa bỏ thiên kiến vô thức tại nơi làm việc.

Thiên kiến: là ý kiến, suy nghĩ thiên lệch có phần thiếu khách quan về một quan điểm nào đó (có thể nghĩ xấu đi hoặc tốt lên về một sự việc, con người). Thiên kiến có thể đôi khi được coi là đồng nghĩa với định kiến hay là cố chấp. Thiên kiến là không sẵn lòng tiếp nhận những thông tin mới, đặc biệt khi thông tin mới không thuận theo quan điểm.

Vô thức: là quá trình làm việc của não bộ khiến chúng ta có cảm xúc, hành động nào đó. Chúng ta không hề có nhận thức về quá trình này.

Thiên kiến vô thức là những suy nghĩ thiên lệch mà chúng ta không hề nhận ra là chúng ta có. Thiên kiến vô thức đã để lại nhiều tác động lên cá nhân dẫn đến những tác hại ảnh hưởng trực tiếp tại nơi làm việc như: đánh giá sai năng lực, nhân viên thiếu gắn kết, tổ chức rời rạc, bỏ sót nhân tài, nhiều ý kiến không được nói ra, đưa ra những quyết định sai lầm,…

Câu hỏi thảo luận nhóm: “Tác hại của thiên kiến vô thức tại nơi làm việc”

Tại nhiều môi trường làm việc của các doanh nghiệp hiện nay, có một số kiểu thiên kiến vô thức được thấy rõ như: thiên kiến về sự ưu ái, thiên kiến hiệu suất, thiên kiến về thiên chức làm mẹ, thiên kiến quy kết, thiên kiến tương đồng, phân biệt đối xử kép,…

Câu hỏi thảo luận nhóm: “Làm thế nào để loại bỏ thiên kiến trong quá trình làm việc tại Alphanam”

Qua những tác hại đã nêu ở trước, những kiểu thiên kiến xuất hiện tại môi trường làm việc cũng như ý kiến của các thành viên trong hoạt động thảo luận nhóm, Mr. Tuấn Anh đã tổng hợp và đưa ra 6 cách để giảm thiểu Thiên kiến vô thức tại nơi làm việc:

– Nhận biết thiên kiến vô thức luôn tồn tại

– Nhận diện thiên kiến nào gây ảnh hưởng đến bạn, công ty

– Xây dựng hệ thống tuyển dụng không thiên kiến

– Dựa trên số liệu thống kê để đưa ra quyết định

– Khuyến khích văn hóa “Speak up – lên tiếng” khi có thiên kiến

– Xây dựng chỉ tiêu về Đa dạng và Hòa nhập D&I

PHẦN II: VĂN HÓA ĐA DẠNG VÀ HÒA NHẬP NỀN TẢNG CỦA MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC HẠNH PHÚC VÀ HIỆU QUẢ

Bước sang buổi chiều, nội dung của chương trình đào tạo tập trung truyền tải các nội dung về “Văn hóa Đa dạng và Hòa nhập nền tảng của môi trường làm việc hạnh phúc và hiệu quả”.

Đa dạng bao gồm tất cả những gì giống và khác nhau, không đưa ra một rào cản đối với bất kì tiêu chí nào.

Hòa nhập: là cảm giác thân thuộc, thuộc về và là một phần của tổ chức. Khái niệm về “Hòa nhập” là không chỉ chào đón sự đa dạng, khác biệt mà tổ chức còn tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được là chính mình, được thể hiện và đóng góp một phần cho sự phát triển chung của tập thể.

Lợi ích của nơi làm việc đa dạng và hòa nhập: cải thiện tinh thần làm việc, tăng năng suất và chất lượng công việc, khách hàng hài lòng, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tên tuổi của doanh nghiệp, thu hút & giữ chân nhân tài.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp chỉ có văn hóa “đa dạng” mà chưa có sự “hòa nhập” dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức như: giao tiếp khó khăn, khác biệt về văn hóa, phân biệt đối xử, thiếu đoàn kết. Qua đó dẫn đến những hậu quả gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường làm việc.

Một hoạt động thú vị được diễn ra để các thành viên có cái nhìn rõ nét hơn về khái niệm “đa dạng”, “hòa nhập” và hiểu thế nào về một môi trường nếu có sự “đa dạng” nhưng lại thiếu đi sự “hòa nhập”. Hoạt động diễn ra với lời đề nghị hành động từ 1 thành viên, và tất cả các thành viên trong lớp sẽ thực hiện, làm theo. Kết thúc hoạt động, mỗi thành viên đều có một sản phẩm, một kết quả hoàn toàn khác nhau.

Một số nhân tố sẽ góp phần thúc đẩy Đa dạng và Hòa nhập tại doanh nghiệp: văn hóa doanh nghiệp, ưu tiên tầm mục tiêu chiến lược, xem D&I là mục tiêu kinh doanh quan trọng, trách nhiệm của lãnh đạo, mục tiêu dài hạn, tiếp cận qua lãnh đạo làm gương.

Khép lại chương trình đào tạo bằng một nói: thay đổi đầu tiên luôn từ nhận thức, nhưng nhận thức thôi chưa đủ, chúng ta cần hành động mạnh mẽ. Hy vọng rằng qua chương trình đào tạo, các anh chị cán bộ quản lý đã có cái nhìn sâu sắc hơn và có thể áp dụng tại nơi làm việc của phòng ban mình. Đặc biệt hơn, chúng ta sẽ cùng lan tỏa văn hóa, những kiến thức, hiểu biết về bình đẳng giới tới toàn thể cán bộ nhân viên Alphanam, để Alphanam sẽ mãi luôn là môi trường làm việc công bằng – hạnh phúc – văn minh.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin